top of page
Tìm kiếm

HƯỚNG DẪN VỀ SỨC KHỎE (PHẦN 1)

Đã cập nhật: 13 thg 3, 2022

A Guide to Health (1921) Mohandas K. Gandhi , do A. Rama Iyer dịch


Mục Lục


LỜI NGƯỜI DỊCH TIẾNG VIỆT

LỜI GIỚI THIỆU CỦA GANDHI


PHẦN I. TỔNG QUÁT

Chương I. Ý NGHĨA CỦA SỨC KHỎE

Chương II. CƠ THỂ CON NGƯỜI

Chương III. KHÔNG KHÍ

Chương IV. NƯỚC

Chương V. ĐỒ ĂN

Chương VI. CHÚNG TA NÊN ĂN BAO NHIÊU VÀ BAO NHIÊU LẦN?

Chương VII. TẬP LUYỆN

Chương VIII. TRANG PHỤC

Chương IX. QUAN HỆ TÌNH DỤC



LỜI NGƯỜI DỊCH TIẾNG VIỆT


Cuốn sách được Mahatma Gandhi viết cách đây 100 năm, vì thế một số quan điểm về sức khỏe cũng như cách điều trị của thời kỳ bấy giờ đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Vì vậy trong một số phần tôi sẽ áp dụng các kiến thức hiện đại và cách điều trị được cho là tốt nhất hiện nay để sửa đổi nội dung cuốn sách gốc, mục đích là để cho tất cả mọi người được hưởng lợi tích tối đa về sức khỏe.


Y học hiện đại đã đạt được nhiều thành tựu tiến bộ, những kiến thức về sức khỏe cũng đã được nâng cao hơn. Tuy nhiên nhiều quan điểm của Gandhi vẫn còn giữ nguyên giá trị. Ví như một người bị bệnh đau dạ dày, y học sẽ cho họ dùng thuốc, căn bệnh được kiềm chế hoặc điều trị khỏi. Tuy nhiên, thuốc luôn luôn có tác dụng phụ, cho dù về ngắn hạn hay về lâu dài. Hơn thế nữa, việc đau dạ dày nguyên nhân là do lối sống và cách ăn uống; vậy nếu lối sống của họ không thay đổi, cách ăn uống của họ giữ nguyên, điều gì sẽ ngăn bệnh đau dạ dày không quay trở lại?


Một trường hợp nữa, khi cảm chúng ta thường dùng thuốc cảm cúm. Bệnh cảm cúm là do virus, và thuốc cảm cúm chỉ có tác dụng giảm triệu chứng như đau đầu, sổ mũi, mà không diệt trừ được virus. Bởi vậy sẽ có những virus kháng thuốc và trở nên mạnh mẽ hơn. Đây chính là thứ mà chúng ta vẫn gọi là hiện tượng “nhờn thuốc”. Bởi thế, chúng ta phải uống nhiều thuốc hơn, và thời gian khỏi lâu hơn, và dạ dày chúng ta chắc chắn bị ảnh hưởng bởi thuốc, máu nhiễm độc và không tinh khiết, chưa nói đến các tác dụng phụ khác đối với cơ thể của chúng ta.


Với những quan điểm trong cuốn sách, người đọc cần cẩn thận tìm tòi và xác thực lại, nếu họ mong muốn một sức khỏe tốt, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để con người hạnh phúc, điều cần thiết đầu tiên chính là một sức khỏe tốt.


Trước khi bắt đầu cuốn sách, nếu chúng ta có hiểu biết về ông tổ của ngành y - Hippocrates, chúng ta sẽ thấy Gandhi có chung nhiều kinh nghiệm tương đồng với Hippocrates trong việc điều trị cách căn bệnh, đây là một số quan niệm về y học của Hippocrates:


Hippocrates once said that "to eat when you are sick, is to feed your sickness." - Hippocrates đã từng nói rằng "ăn khi bạn ốm là nuôi dưỡng căn bệnh".


Hippocrates often used lifestyle modifications such as diet and exercise to treat diseases such as diabetes, what is today called lifestyle medicine. - Hippocrates thường sử dụng các biện pháp thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục để điều trị các bệnh như bệnh hệ tiêu hóa, ngày nay được gọi là y học lối sống.


Hippocrates cũng tin tưởng vào quá trình lành bệnh tự nhiên thông qua nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, không khí trong lành và sự sạch sẽ.



LỜI GIỚI THIỆU CỦA GANDHI


Trong hơn hai mươi năm qua, tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề Sức khỏe. Khi ở Anh, tôi phải tự chuẩn bị đồ ăn và thức uống, và do đó, tôi có thể nói rằng kinh nghiệm của tôi khá đáng tin cậy. Tôi đã đi đến một số kết luận chắc chắn từ trải nghiệm đó, và bây giờ tôi chia sẻ vì lợi ích những độc giả của tôi.

Như một câu nói quen thuộc, 'Phòng bệnh hơn chữa bệnh'. Việc phòng tránh bệnh tật bằng cách tuân thủ các giới luật về sức khỏe sẽ dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với việc bắt đầu chữa khỏi căn bệnh do chính sự thiếu hiểu biết và bất cẩn của chúng ta gây ra. Do đó, nhiệm vụ của tất cả những con người chu toàn và thận trọng là phải hiểu rõ các quy luật về sức khỏe, và mục tiêu của các trang sau đây là giải thích các luật này. Chúng ta cũng sẽ xem xét các phương pháp chữa bệnh tốt nhất cho một số bệnh phổ biến nhất.

Như Milton nói, tâm trí có thể tạo ra thiên đường hoặc địa ngục. Vì vậy, Trời không phải là ở đâu đó trên những đám mây, và Địa ngục ở đâu đó bên dưới lòng đất! Chúng ta có cùng ý tưởng như vậy được thể hiện trong câu nói tiếng Phạn, Mana êvam Manushayanâm Kâranam Bandha Mokshayoh - Sự cầm tù hay tự do của con người phụ thuộc vào tình trạng tâm trí của anh ta. Từ đó cho thấy rằng một người khỏe mạnh hay không khỏe mạnh phụ thuộc vào chính bản thân họ. Bệnh tật là kết quả không chỉ từ hành động mà còn từ suy nghĩ của chúng ta. Như một bác sĩ nổi tiếng đã nói, “nhiều người chết vì nỗi sợ các căn bệnh như thủy đậu, dịch tả và bệnh dịch hạch hơn là vì những bệnh đó”.

Sự thiếu hiểu biết là một trong những căn nguyên của bệnh tật. Chúng ta thường rất hoang mang trước những căn bệnh bình thường nhất vì sự thiếu hiểu biết tuyệt đối, và trong nỗi lo lắng muốn khỏi bệnh, chúng ta chỉ đơn giản là làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về các quy luật cơ bản nhất của sức khỏe khiến chúng ta áp dụng các biện pháp khắc phục sai lầm hoặc đẩy chúng ta vào tay của những kẻ lang băm đích thực. Thật kỳ lạ (và đúng như thế nào) là chúng ta biết ít hơn nhiều về những thứ ở gần hơn là những thứ ở nơi xa xôi. Chúng ta hầu như không biết bất cứ điều gì về ngôi làng của chúng ta, ngoại trừ những ngọn núi tại nước Anh! Chúng ta gặp rất nhiều chướng ngại khi tìm hiểu tên của các ngôi sao trên bầu trời, trong khi chúng ta khó nghĩ rằng những hiểu biết về các thứ có trong chính ngôi nhà của chúng ta là có giá trị! Chúng ta không bao giờ quan tâm một chút nào cả đến vẻ đẹp hào nhoáng và lộng lẫy của thiên nhiên trước mắt chúng ta, trong khi chúng ta đang rất nóng lòng muốn chứng kiến các xác ướp đáng sợ ở trên sân khấu! Và cũng như vậy, chúng ta không xấu hổ khi không biết về cấu trúc của cơ thể mình, về cách phát triển của xương và cơ, cách máu lưu thông và bị nhiễm bẩn ra sao, cách tâm trí chúng ta bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ và đam mê xấu xa như thế nào v.v... Không có gì liên kết chặt chẽ với chúng ta như cơ thể của chúng ta, nhưng có lẽ cũng không có gì mà sự thiếu hiểu biết của chúng ta quá sâu sắc, hoặc sự thờ ơ quá trọn vẹn của chúng ta như là về cơ thể chính mình.

Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là phải vượt qua sự thờ ơ này. Mọi người nên coi đây là bổn phận ràng buộc của chính bản thân mình, là phải biết về những sự thật cơ bản liên quan đến cơ thể mình. Loại giáo dục này thực sự nên được thực hiện bắt buộc trong các trường học của chúng ta. Hiện tại, chúng ta không biết làm thế nào để xử lý những vết bỏng và vết thương bình thường nhất; chúng ta bất lực nếu một cái gai đâm vào chân chúng ta; chúng ta chìm trong khủng hoảng và sợ hãi nếu chúng ta bị cắn bởi một con rắn thông thường! Thật vậy, nếu chúng ta xem xét sâu sắc sự thiếu hiểu biết của bản thân trong những vấn đề như vậy, chúng ta sẽ phải cúi đầu xấu hổ. Việc nói rằng một người bình thường không trông đợi cần phải biết đến những kiến thức cơ bản này là phi lý. Các trang giấy sau đây dành cho những ai muốn tìm hiểu.

Tôi không giả vờ rằng những sự thật mà tôi đề cập chưa được nói trước đây. Nhưng độc giả của tôi sẽ thấy tóm lược ở đây là nội dung của một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe. Tôi đã đi đến kết luận của mình sau khi nghiên cứu những cuốn sách này, đi cùng một loạt các thử nghiệm cẩn thận. Hơn nữa, những người mới làm quen với chủ đề này cũng sẽ tránh được nguy cơ bị bối rối bởi những quan điểm trái chiều của những tác giả khác nhau. Ví dụ, một tác giả nói rằng nước nóng phải được sử dụng trong tình huống này, trong khi một tác giả khác nói rằng, chính xác trong những trường hợp tương tự, nước lạnh phải được sử dụng. Những quan điểm mâu thuẫn thuộc loại này đã được tôi cân nhắc cẩn thận, vì vậy độc giả của tôi có thể yên tâm về độ tin cậy của quan điểm của chính tôi.

Chúng ta có thói quen gọi bác sĩ cho những căn bệnh vặt vãnh nhất. Ở những nơi không có bác sĩ chính quy, chúng ta nhận lời khuyên và được điều trị bởi những thầy thuốc truyền thống. Chúng ta lao động dưới sự ảo tưởng chết người rằng không có bệnh nào có thể chữa khỏi nếu không có thuốc. Điều này đã gây ra nhiều tai hại cho nhân loại hơn bất kỳ tội ác nào khác. Tất nhiên, điều cần thiết là bệnh của chúng ta phải được chữa khỏi, nhưng chúng không thể chữa khỏi bằng thuốc . Thuốc không chỉ đơn thuần là vô dụng mà đôi khi còn có hại. Đối với một người bệnh thể trạng ốm yếu mà dùng thuốc và dược phẩm sẽ ngu ngốc như đang cố gắng che đậy những thứ rác rưởi đã tích thành đống trong nhà. Càng nhiều rác rưởi ta che phủ, sự thối rữa càng tăng nhanh. Đối với cơ thể con người cũng vậy. Bệnh tật chỉ là cảnh báo của Tự nhiên rằng rác rưởi đã tích tụ trong một hoặc một vài cơ quan của cơ thể; và chắc chắn sẽ là khôn ngoan khi cho phép Tự nhiên rửa sạch và cuốn trôi bụi bẩn, thay vì che đậy nó bằng sự trợ giúp của thuốc. Những người dùng thuốc đang thực sự khiến cho nhiệm vụ của Tự nhiên khó khăn gấp đôi. Mặt khác, thật dễ dàng để chúng ta giúp đỡ Tự nhiên hoàn thành nhiệm vụ của chúng bằng cách ghi nhớ một số nguyên tắc cơ bản nhất định, - ví dụ như thi thoảng nhịn ăn để rác rưởi không tích tụ nhiều hơn, và bằng cách vận động mạnh ngoài trời để cho một số chất bẩn có thể thoát ra ngoài dưới dạng mồ hôi. Hơn nữa, một điều cực kỳ cần thiết là giữ cho tâm trí của chúng ta luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Chúng ta rút ra kinh nghiệm rằng, một khi một lọ thuốc đi vào nhà, nó không bao giờ nghĩ đến sẽ rời đi, mà chỉ tiếp tục có thêm những chai thuốc khác đi vào khi ta thức giấc. Chúng ta bắt gặp vô số những con người mắc phải căn bệnh này hay căn bệnh khác trong suốt cuộc đời bất chấp sự tận tụy đến bệnh hoạn của họ đối với thuốc men. Họ vẫn đang ngày ngày, hôm nay dưới sự điều trị của bác sĩ này, ngày mai của bác sĩ kia. Họ dành cả đời để tìm kiếm một bác sĩ trong vô vọng, người sẽ chữa khỏi bệnh cho họ. Như lời Thẩm phán Stephen (đã từng sống ở Ấn Độ) cho biết, thực sự đáng kinh ngạc là các loại thuốc mà ít được biết đến lại được các bác sĩ áp dụng cho những cơ thể người mà họ còn biết ít hơn! Bản thân một số bác sĩ vĩ đại nhất của phương Tây hiện nay cũng đã giữ quan điểm này. Ngài Astley Cooper thừa nhận rằng 'khoa học' của y học hầu như chỉ là công việc phỏng đoán; Tiến sĩ Baker và Tiến sĩ Frank thảo luận rằng nhiều người chết vì thuốc hơn là vì chính bệnh tật; và Tiến sĩ Masongood thậm chí còn nói rằng nhiều người trở thành nạn nhân của y học hơn là chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh cộng lại!

Đây cũng là một kinh nghiệm rằng bệnh tật gia tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng bác sĩ ở một nơi. Nhu cầu về thuốc đã trở nên phổ biến đến nỗi ngay cả những tờ báo ít lượt đọc nhất cũng chắc chắn nhận được quảng cáo về các thuốc lang băm, và không có thêm loại quảng cáo nào khác bên trong. Trong một cuốn sách gần đây về Thuốc cấp bằng sáng chế, chúng tôi được biết rằng “muối trái cây và xi-rô”, mà chúng tôi phải trả từ 32 anna đến 80 anna, chi phí cho nhà sản xuất của chúng chỉ từ 1/4 anna đến 1 anna! Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các sáng chế của họ phải được giữ bí mật một cách tuyệt đối.

Do đó, chúng tôi sẽ đảm bảo với độc giả rằng họ hoàn toàn không cần thiết phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Tuy nhiên, đối với những người có thể không sẵn sàng từ chối bác sĩ và thuốc men hoàn toàn, chúng tôi sẽ nói, “Trong chừng mực có thể, hãy kiên nhẫn kiểm soát tâm trí của bạn và đừng làm phiền các bác sĩ. Trong trường hợp bạn buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ, hãy chắc chắn anh ta là một người tốt; sau đó, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của anh ấy, và không gọi thêm bác sĩ nào khác, trừ khi có lời khuyên riêng của anh ta. Nhưng trên tất cả, hãy nhớ rằng việc chữa khỏi bệnh của bạn cuối cùng không nằm trong tay của bất kỳ bác sĩ nào; mà nằm trong môi trường sống, cách sinh hoạt làm việc, chế độ ăn uống, và những gì nảy sinh trong tâm trí bạn."



Phần I. Tổng quát


Chương I

Ý NGHĨA CỦA SỨC KHỎE


Thông thường một người được coi là khỏe mạnh, khi ăn uống tốt và đi lại thoải mái, và không cần trợ giúp từ các bác sĩ. Nhưng suy nghĩ sâu thêm sẽ thuyết phục chúng ta rằng ý tưởng này là sai. Có rất nhiều trường hợp con người bị bệnh mặc dù được ăn uống đầy đủ và vẫn đi lại tự do thoải mái. Họ đang bị ảo tưởng rằng họ khỏe mạnh, đơn giản là vì họ quá thờ ơ để suy nghĩ về vấn đề này.

Trên thực tế, những con người hoàn toàn khỏe mạnh hầu như không tồn tại ở bất cứ đâu trên thế giới rộng lớn này.

Như đã nói, chỉ có thể nói một người thực sự khỏe mạnh, là một người có tâm hồn trong sạch trong một cơ thể mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí mật thiết đến mức, nếu một trong hai thứ hoạt động không đúng trật tự, cả hệ thống cơ thể con người sẽ phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta hãy lấy sự so sánh tương tự từ bông hoa hồng. Màu sắc của nó phản ánh hương thơm của nó giống như cơ thể đối với tâm trí (hoặc linh hồn). Không ai coi hoa giấy nhân tạo là sự thay thế hoàn toàn cho hoa tự nhiên, vì lý do rõ ràng là hoa nhân tạo không thể tái tạo hương thơm, chính là thứ tạo nên bản chất của hoa. Vì vậy, theo bản năng, chúng ta tôn vinh người có tâm hồn trong sạch và đức tính cao quý thay vì người chỉ đơn thuần là mạnh mẽ về thể chất. Tất nhiên, thể xác và linh hồn đều cần thiết, nhưng linh hồn quan trọng hơn nhiều so với thể xác. Không người nào có bản tính không trong sạch có thể nói là thực sự khỏe mạnh. Cơ thể chứa đựng một tâm trí bệnh hoạn không bao giờ có thể là thứ gì khác ngoài bệnh tật! Do đó, một tâm tính thuần khiết là nền tảng của sức khỏe theo nghĩa thực của thuật ngữ này; và chúng ta có thể nói rằng tất cả những ý nghĩ xấu xa và đam mê xấu xa chỉ là những dạng bệnh tật khác nhau.

Như vậy, khi xem xét, chúng ta có thể kết luận rằng chỉ riêng một người có thể được cho là hoàn toàn khỏe mạnh, khi cơ thể được hoàn thiện tốt, răng cũng như mắt và tai đều tốt, mũi không có chất bẩn, da đổ mồ hôi một cách dễ dàng và không có mùi hôi, miệng không có mùi hôi, tay và chân thực hiện tốt khả năng của chúng, không béo cũng không quá gầy, có trí óc và các giác quan luôn nằm trong tầm kiểm soát của chính bản thân mình. Như đã nói, rất khó để có được sức khỏe như vậy, nhưng còn khó khăn hơn để giữ được nó, khi đã phải trả giá nhiều để có nó. Lý do chính khiến chúng ta không thực sự khỏe mạnh là cha mẹ của chúng ta không như vậy. Một tác giả lỗi lạc đã nói rằng, nếu cha mẹ ở trong tình trạng hoàn toàn tốt thì con cái của họ chắc chắn sẽ vượt trội hơn họ về mọi mặt. Một người hoàn toàn khỏe mạnh không có lý do gì để sợ hãi cái chết; nỗi sợ hãi khủng khiếp của chúng ta về cái chết cho thấy rằng chúng ta còn cách rất xa những tạo vật khỏe mạnh như vậy. Tuy nhiên, nhiệm vụ rõ ràng của tất cả chúng ta là phấn đấu để có được sức khỏe hoàn hảo. Do đó, chúng ta sẽ tiến hành xem xét trong các trang sau, để biết làm cách nào đạt được sức khỏe như vậy, và làm thế nào, khi đã đạt được, có thể được giữ lại sức khỏe mãi mãi về sau.

Chương II

CƠ THỂ CON NGƯỜI


Thế giới là sự kết hợp của năm nguyên tố, - đất, nước, không khí, ánh sáng và khoảng không gian trống (chân không). Cơ thể của chúng ta cũng vậy. Đây là một dạng vũ trụ thu nhỏ. Do đó, cơ thể cần tất cả các yếu tố theo tỷ lệ thích hợp, - đất sạch sẽ, nước tinh khiết, ánh sáng mặt trời, không khí trong lành và khoảng không gian mở rộng. Khi bất kỳ một trong số này thiếu hụt so với tỷ lệ thích hợp của nó, bệnh tật sẽ nảy sinh trong cơ thể.

Cơ thể được tạo thành từ da và xương, cũng như thịt và máu. Xương là xương sống của cơ thể; thiếu chúng, chúng ta không thể đứng dậy và di chuyển xung quanh. Chúng bảo vệ các bộ phận mềm hơn của cơ thể. Bởi vậy, hộp sọ bảo vệ não, trong khi xương sườn bảo vệ tim và phổi. Các bác sĩ đã đếm được 238 chiếc xương trong cơ thể người. Bên ngoài xương cứng, nhưng bên trong mềm và rỗng. Răng cũng được tính trong số các xương.

Khi sờ vào thịt ở những vị trí nhất định, chúng ta thấy nó rắn chắc và đàn hồi. Phần thịt này được gọi là cơ. Đây là những cơ cho phép chúng ta di chuyển linh hoạt và duỗi thẳng cánh tay, cử động hàm và nhắm mắt. Một lần nữa, chính nhờ cơ bắp mà các cơ quan tri giác của chúng ta thực hiện công việc của chúng.

Trình bày chi tiết về cấu trúc của cơ thể nằm ngoài phạm vi cuốn sách; người viết hiện tại cũng không có đủ kiến ​​thức để đưa ra một hướng dẫn như vậy. Do đó, chúng tôi sẽ hài lòng với nhiều thông tin hữu ích cần thiết cho mục đích hiện tại của chúng ta.

Phần quan trọng nhất của cơ thể là dạ dày. Nếu dạ dày ngừng hoạt động dù chỉ trong giây lát, toàn bộ cơ thể sẽ sụp đổ. Công việc của dạ dày là tiêu hóa thức ăn và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mối quan hệ của nó đối với cơ thể cũng giống như của động cơ hơi nước đối với đoàn tàu. Dịch vị được tạo ra trong dạ dày giúp quá trình đồng hóa các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất thải được thải ra ngoài theo đường ruột dưới dạng phân và nước tiểu. Ở bên trái của khoang bụng là lá lách, trong khi bên phải của dạ dày là gan, có chức năng lọc máu và bài tiết mật, rất hữu ích cho tiêu hóa.

Trong khoảng rỗng được bao bọc bởi các xương sườn là tim và phổi. Tim nằm giữa hai lá phổi, nhưng lệch về phía bên trái nhiều hơn bên phải. Có tổng cộng 24 xương trong lồng ngực; hoạt động của tim cảm giác được ở giữa xương sườn thứ năm và thứ sáu. Phổi được kết nối với khí quản. Không khí chúng ta hít vào được đưa vào phổi thông qua khí quản, không khí được lọc và làm ấm thông qua mũi. Điều quan trọng nhất là thở bằng mũi thay vì bằng miệng.

Mọi hoạt động của cơ thể đều phụ thuộc vào quá trình tuần hoàn của máu. Máu nuôi dưỡng cơ thể. Máu chiết xuất chất dinh dưỡng từ thức ăn và cấu tạo các cơ quan, các chất cặn bã bị đẩy ra ngoài qua đường ruột, do đó điều hòa thân nhiệt cho cơ thể. Máu lưu thông liên tục khắp cơ thể, dọc theo các tĩnh mạch và động mạch. Nhịp đập của mạch là do khí huyết lưu thông. Nhịp tim của một người đàn ông trưởng thành bình thường đập khoảng 75 lần một phút. Nhịp đập của trẻ em đập nhanh hơn, trong khi nhịp đập của người già chậm hơn.

Tác nhân chính để giữ cho máu tinh khiết là không khí. Khi máu quay trở lại phổi sau một vòng tuần hoàn hoàn chỉnh khắp cơ thể, máu sẽ không tinh khiết và chứa các yếu tố độc hại. Ôxy của không khí mà chúng ta hít vào sẽ lọc sạch máu này và được đồng hóa vào máu, trong khi Carbon dioxide được thở ra, vì nồng độ khí Carbon dioxide cao có thể gây hại cho cơ thể của chúng ta. Quá trình này diễn ra không ngừng. Vì không khí có một chức năng rất quan trọng trong cơ thể, chúng tôi sẽ dành một chương riêng để xem xét chi tiết về điều này.



Chương III

KHÔNG KHÍ


Trong ba thứ không thể thiếu cho sự tồn tại của con người, - cụ thể là không khí, nước và thực phẩm - thứ đầu tiên: không khí, là quan trọng nhất. Do đó, Đức Chúa Trời đã tạo ra chúng với số lượng lớn để cung cấp cho tất cả chúng ta mà không cần ta trả giá gì cả. Tuy nhiên, nền văn minh hiện đại đã khiến việc có được không khí trong lành thậm chí là tốn kém, vì, để hít thở không khí trong lành, chúng ta phải đi ra khỏi thị trấn và thành phố, và điều này có nghĩa là tốn chi phí. Các cư dân của Bombay, chẳng hạn, sức khỏe được cải thiện rõ rệt trong không khí của vùng đồi núi Matheran hoặc tốt hơn nữa là đi đến Đồi Malabar; nhưng họ không thể đến những nơi này nếu không có tiền. Do đó, trong thời đại ngày nay, hiện thực sẽ không còn đúng khi nói rằng chúng ta có được không khí trong lành miễn phí, như chúng ta từng có trong thời trước.

Nhưng, dù không khí trong lành có được miễn phí hay không, thì không thể phủ nhận rằng chúng ta không thể tiếp tục mà không có chúng. Chúng ta đã thấy rằng máu lưu thông khắp cơ thể, trở lại phổi, và sau khi được thanh lọc, lại bắt đầu vòng tuần hoàn trở lại. Chúng ta thở ra không khí không tinh khiết chứa khí các-bô-nic và lấy oxy từ bên ngoài để lọc máu. Quá trình hít vào và thở ra này diễn ra vô hạn, và nó phụ thuộc vào cuộc đời kéo dài bao lâu của từng người. Khi bị đuối nước, chúng ta chết vì khi đó chúng ta không thể đẩy không khí độc ra khỏi cơ thể và lấy không khí sạch từ bên ngoài vào. Các thợ lặn lặn xuống nước hít thở không khí trong lành qua một ống thở dẫn lên trên mặt nước. Do đó, họ có thể ở dưới nước trong một thời gian dài.

Người ta đã khẳng định chắc chắn rằng không ai có thể sống mà không có không khí lâu đến năm phút. Chúng ta thường nghe nói về cái chết của những trẻ nhỏ, khi chúng bị những người mẹ thiếu hiểu biết ôm chặt vào lòng đến nỗi chúng không thể thở được.

Tất cả chúng ta nên chống lại việc hít thở không khí kém trong lành, cũng như chống lại việc uống nước bẩn và ăn thực phẩm bẩn; nhưng theo quy luật, không khí chúng ta hít thở là không tinh khiết hơn nhiều so với nước chúng ta uống hoặc thức ăn chúng ta ăn. Tất cả chúng ta đều là những người tôn thờ những vật thể cụ thể; những thứ có thể nhìn thấy và cảm nhận được chúng ta sẽ coi là có tầm quan trọng lớn hơn nhiều - so với những thứ không thấy được và vô hình. Vì không khí thuộc loại vật thể vô hình này, nên chúng ta không thể nhận ra tác hại do không khí không trong sạch mà chúng ta hít thở. Chúng ta sẽ suy nghĩ kỹ trước khi ăn thức ăn thừa của người khác, hoặc uống cốc đã bị sử dụng bởi môi của người khác. Ngay cả những người không biết xấu hổ hoặc ghê tởm nhất cũng sẽ không bao giờ ăn thứ bị nôn ra từ người khác, hoặc uống nước do người khác phun ra; ngay cả những người đang chết vì đói và khát cũng từ chối làm điều đó. Nhưng hỡi ôi, có mấy ai trong chúng ta nhận ra rằng không khí chúng ta hít vào thường là không khí kém trong lành và độc hại do người khác thở ra, và điều này chắc chắn khó chịu hơn một bãi nôn của con người! Thật kỳ lạ khi những đám người ngủ với nhau hàng giờ trong phòng kín, và tiếp tục hít thở bầu không khí ngột ngạt chết người do chính họ và đám người của họ thở ra!

Bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao rất nhiều đàn ông và phụ nữ trở nên ốm yếu và bệnh hoạn. Hoàn toàn không nghi ngờ rằng không khí không tinh khiết là căn nguyên của bệnh tật ở chín mươi chín trường hợp trong số một trăm trường hợp. Do đó, cách tốt nhất để tránh bệnh là sống và làm việc trong không khí thoáng đãng ngoài tự nhiên. Không có bác sĩ nào có thể cạnh tranh với không khí trong lành trong vấn đề này. Sự hao mòn là do phổi bị thối rữa, do hít phải không khí không tinh khiết, giống như một động cơ hơi nước chứa đầy than đá xấu bị pha tạp. Do đó, các bác sĩ nói rằng cách điều trị đơn giản và hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc bệnh phổi là giữ cho bệnh nhân không khí trong lành suốt 24 giờ trong ngày.

Tất nhiên, điều cần thiết là chúng ta phải biết cách giữ cho không khí trong lành. Trên thực tế, mọi đứa trẻ nên được dạy về giá trị của không khí trong lành, ngay khi nó có thể hiểu được bất cứ điều gì. Nếu độc giả của tôi chịu khó tìm hiểu những sự thật đơn giản về không khí và áp dụng kiến ​​thức của họ vào thực tế, dạy dỗ giáo dục con cái của họ cũng làm như thế, tôi sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng.

Nhà vệ sinh của chúng ta có lẽ chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc khiến cho bầu không khí ô nhiễm. Rất ít người nhận ra tác hại nghiêm trọng do nhà tiêu bẩn gây ra. Ngay cả những con chó và mèo cũng đào một cái hố để cho phân của chúng vào, và sau đó phủ lên nó bằng một lớp đất. Ở những nơi không có nhà vệ sinh thuộc loại hiện đại được xây, chúng ta cũng nên làm giống như vậy. Nên giữ tro hoặc đất khô trong hộp thiếc hoặc bình đất bên trong nhà tiêu, và bất cứ ai đi vào nhà tiêu, khi đi ra, phải phủ tro hoặc đất kỹ. Nếu điều này được thực hiện sẽ không có mùi hôi thối, và ruồi cũng sẽ không sống ở trong đó; vì chính ruồi nhặng là tác nhân truyền các bệnh truyền nhiễm đường ruột (như kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn, tả và một số bệnh giun sán), nhiễm trùng mắt (mắt hột…) và một số bệnh ngoài da (như bệnh mụn cóc, bệnh ngoài da cấp tính, nấm…). Bất kỳ ai có khứu giác lành mạnh, hoặc những người không chịu nổi mùi hôi sẽ biết mùi ghê tởm phát ra từ tất cả các vật chất bẩn thỉu khi chúng nằm ngoài không khí, và chúng sẽ độc hại như thế nào. Cổ họng của chúng ta căng lên khi nghĩ đến phân trộn với thức ăn của chúng ta, nhưng chúng ta tiếp tục hít thứ không khí bị ô nhiễm bởi mùi hôi thối đó, mà quên rằng cái này cũng tệ hại như cái kia; chúng chỉ khác là, trong khi phân trộn thức ăn có thể nhìn thấy được, không khí ô nhiễm bởi phân thì không nhìn thấy. Chúng ta nên thấy rằng nhà tiêu của chúng ta phải được giữ rất ngăn nắp và sạch sẽ. Chúng ta ghét ý tưởng tự làm sạch nhà tiêu, nhưng điều chúng ta thực sự ghét là ý nghĩ sử dụng nhà tiêu bẩn. Việc tự mình loại bỏ những chất ô uế đã bị tống ra khỏi bên trong cơ thể mình có tác hại gì, và chúng ta không thấy xấu hổ khi chờ người khác loại bỏ chúng thay ta hay sao? Hoàn toàn không có lý do gì mà chúng ta không tự mình tìm hiểu việc làm sạch và dạy nó cho con cái mình. Chất bẩn phải được loại bỏ, và đẩy xuống một cái hố sâu hai mét, sau đó phủ một lớp đất hoặc tro dày lên. Nếu chúng ta đến một nơi thoáng đãng, chúng ta nên đào một cái hố nhỏ bằng tay hoặc chân, sau đó lấp lại, sau khi chúng ta đi vệ sinh xong.

Chúng ta cũng làm cho không khí trở nên không trong sạch khi tiểu tiện ở mọi nơi một cách bừa bãi. Nên bỏ hẳn thói quen bẩn thỉu này. Nếu không có nơi nào được bố trí đặc biệt cho mục đích, chúng ta nên đi đến một bãi đất khô nào đó cách xa nhà, và cũng nên phủ đất lên nước tiểu.

Không nên đổ rác vào những hố quá sâu, vì trong trường hợp đó, nó sẽ vượt quá tầm ảnh hưởng của sức nóng từ mặt trời, và cũng sẽ gây ô nhiễm nước ngầm bên dưới lòng đất.

Thói quen khạc nhổ bừa bãi trên hiên, ngoài sân và những nơi tương tự cũng rất xấu. Nước bọt, đặc biệt là từ người có bệnh, rất nguy hiểm. Trong mọi trường hợp, không thể nghi ngờ rằng thói quen khạc nhổ bất cứ nơi nào đều rất bẩn cũng như nguy hại với sức khỏe người khác.

Một số người vứt bỏ thức ăn đã nấu chín và các thứ bỏ đi khác ra xung quanh, những thứ này sẽ phân hủy và làm cho không khí trở nên không trong sạch. Nếu tất cả những thứ rác rưởi như vậy được đặt bên dưới lòng đất, không khí sẽ không bị ô nhiễm và cũng có thể thu được phân bón tốt cho thực vật bên trên bề mặt. Trên thực tế, không có loại vật chất phân hủy nào được phép tiếp xúc trực tiếp với không khí. Thật dễ dàng để chúng ta thực hiện biện pháp phòng ngừa cần thiết này, chỉ cần chúng ta thực sự nghiêm túc về nó.

Bây giờ chúng ta đã thấy những thói quen xấu của chính chúng ta làm cho không khí trở nên ô nhiễm như thế nào, và chúng ta có thể làm gì để giữ nó trong sạch. Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét cách hít thở không khí.

Như đã đề cập trong chương trước, không khí phải được hít vào bằng mũi, chứ không phải qua miệng. Tuy nhiên, có rất ít người biết thở đúng cách. Nhiều người có thói quen xấu là hít vào bằng miệng. Nếu hít phải không khí quá lạnh qua miệng, chúng ta sẽ bị cảm lạnh và đau họng. Hơn nữa, nếu chúng ta hít vào bằng miệng, các hạt bụi trong không khí sẽ đi vào phổi và gây ra những tác hại lớn. Ví dụ, ở London, vào tháng 11, khói bốc ra từ các ống khói của các nhà máy trộn với sương mù dày đặc, tạo ra một loại hỗn hợp màu vàng. Chất này chứa các hạt bồ hóng rất nhỏ, có thể được nhìn thấy trong nước bọt của một người đàn ông hít không khí vào bằng đường miệng. Để tránh khỏi điều này, nhiều phụ nữ (những người chưa học cách chỉ đơn thuần là thở bằng mũi) đã đeo một loại khăn che mặt đặc biệt lên mặt, chúng hoạt động như một tấm lưới lọc (tương tự như khẩu trang hiện nay). Nếu những tấm khăn này được nhìn kỹ sau khi sử dụng, các hạt bụi có thể được phát hiện trong chúng. Nhưng Chúa đã ban cho tất cả chúng ta một cái sàng loại này bên trong mũi. Không khí hít vào qua lỗ mũi sẽ được lọc trước khi đến phổi và cũng được làm ấm trong quá trình này. Vì vậy, tất cả mọi người cần phải học cách thở chỉ bằng mũi. Và điều này hoàn toàn không khó, nếu chúng ta nhớ luôn ngậm chặt miệng, trừ khi ta đang nói. Những người có thói quen mở miệng khi ngủ nên ngủ với băng quấn quanh miệng, điều này sẽ buộc họ phải thở bằng mũi. Họ cũng nên hít thở dài khoảng hai mươi lần ngoài trời, cả vào buổi sáng và buổi tối. Trên thực tế, tất cả mọi người đều có thể thực hành bài tập đơn giản này và tận mắt chứng kiến ​​vòng ngực của họ nhanh chóng nở nang như thế nào. Nếu đo vòng ngực khi bắt đầu tập, và đo lại sau khoảng thời gian hai tháng, bạn sẽ thấy nó đã nở ra bao nhiêu trong khoảng thời gian ngắn này.

Sau khi học cách hít thở không khí, chúng ta nên trau dồi thói quen hít thở không khí trong lành, ngày này qua ngày khác. Nhìn chung, chúng ta có thói quen xấu nhất là giam mình trong nhà hoặc văn phòng suốt cả ngày, và ngủ trong những căn phòng chật hẹp vào ban đêm, đóng tất cả cửa ra vào và cửa sổ. Trong chừng mực có thể, chúng ta nên ở ngoài trời mọi lúc. Ít nhất chúng ta nên ngủ trên hiên hoặc ngoài trời. Những người không thể làm điều này ít nhất nên giữ cho cửa ra vào và cửa sổ của căn phòng luôn mở hoàn toàn. Không khí là thức ăn của chúng ta trong suốt 24 giờ trong ngày. Vậy tại sao chúng ta phải sợ nó? Việc chúng ta bị cảm lạnh bằng cách hít thở làn gió mát của buổi sáng là một ý tưởng ngớ ngẩn nhất. Tất nhiên, những người phổi bị tổn hại bởi thói quen độc hại là ngủ trong những cánh cửa đóng kín có khả năng bị cảm lạnh, nếu họ đột ngột thay đổi thói quen của mình. Nhưng ngay cả họ cũng không nên sợ lạnh, vì cơn cảm lạnh này có thể được loại bỏ nhanh chóng. Ngày nay, ở châu Âu, những ngôi nhà dành cho nhóm người có nhu cầu đang được xây dựng theo cách để họ có thể luôn nhận được không khí trong lành. Chúng ta biết sự tàn phá đáng sợ từ bệnh dịch ở Ấn Độ là như thế nào. Chúng ta nên nhớ rằng những bệnh dịch này là do chúng ta có thói quen làm ô nhiễm không khí và hít phải không khí độc hại này. Chúng ta nên hiểu rằng ngay cả những người ốm yếu nhất cũng sẽ được hưởng lợi khi hít thở không khí trong lành một cách đều đặn. Nếu chúng ta rèn luyện thói quen giữ cho không khí trong lành và chỉ hít thở không khí trong lành, chúng ta có thể tự cứu mình khỏi nhiều căn bệnh quái ác.

Ngủ với mặt không bị trùm kín cũng quan trọng như ngủ trong không khí trong lành. Nhiều người trong chúng ta có thói quen trùm chăn khi ngủ, tức là họ đã hít phải luồng khí độc do chính mình thở ra. Tuy nhiên, may mắn thay, một số ít không khí từ bên ngoài tìm thấy đường ra qua các kẽ của tấm vải, nếu không chúng sẽ chết vì ngạt thở. Nhưng lượng không khí nhỏ đi vào theo cách này hoàn toàn không đủ. Nếu bị lạnh, chúng ta có thể trùm khăn len lên đầu hoặc đội mũ len, nhưng mũi phải để hở trong mọi trường hợp.

Không khí và ánh sáng có mối liên hệ mật thiết với nhau đến nỗi chỉ cần nói thêm vài lời ở đây về giá trị của ánh sáng. Ánh sáng không thể thiếu đối với cuộc sống giống như chính không khí. Do đó, địa ngục được miêu tả là nơi hoàn toàn tăm tối. Nơi ánh sáng không thể xuyên qua, không khí không bao giờ có thể trong lành. Nếu bước vào một căn hầm tối, chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng mùi của không khí hôi thối. Việc chúng ta không thể nhìn thấy trong bóng tối cho thấy Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta sống và di chuyển ngoài ánh sáng. Và Thiên nhiên đã ban cho chúng ta nhiều bóng tối như nhu cầu chúng ta cần trong buổi đêm. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen ngồi hoặc ngủ trong các phòng kín, không có không khí và ánh sáng, ngay cả trong mùa hè nóng bức nhất! Những người bị tước đoạt không khí và ánh sáng như vậy luôn yếu ớt, hốc hác và xanh xao.

Ngày nay, có rất nhiều bác sĩ ở châu Âu chữa bệnh cho bệnh nhân của họ bằng cách tắm hơi và tắm nắng. Hàng ngàn người bệnh đã được chữa khỏi chỉ bằng cách tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời. Chúng ta nên giữ cho tất cả các cửa ra vào và cửa sổ trong nhà luôn mở để không khí và ánh sáng tràn vào tự do.

Một số độc giả có thể hỏi tại sao, nếu không khí và ánh sáng là thứ không thể thiếu, những người sống và làm việc trong hầm rượu lại không bị ảnh hưởng rõ rệt. Những người đã suy nghĩ thấu đáo về vấn đề sẽ không bao giờ đặt câu hỏi này. Mục đích của chúng ta là đạt được sức khỏe tối đa bằng mọi cách thích đáng; dù sao chúng ta cũng không nên chỉ đơn thuần là sống. Chắc chắn rằng không khí và ánh sáng không đủ sẽ làm phát sinh bệnh tật. Cư dân ở các thị trấn, theo quy luật, yếu hơn những người ở nông thôn, một phần nhiều vì họ nhận được ít không khí và ánh sáng hơn so với những người này. Vì vậy, không khí và ánh sáng là những thứ hoàn toàn không thể thiếu đối với sức khỏe, và mỗi người nên nhớ tất cả những gì chúng ta đã nói về vấn đề này và hành động tốt nhất có thể theo khả năng của mình.


Chương IV

NƯỚC


Như đã được chỉ ra, không khí là thứ không thể thiếu đối với sự sống của chúng ta, trong khi nước đứng vị trí tiếp theo. Con người không thể sống vài phút mà không có không khí, nhưng anh ta có thể sống trong vài ngày mà không có nước. Và trong trường hợp không có thức ăn, ta có thể sống chỉ bằng nước trong nhiều ngày. Có hơn 70% nước trong thành phần thực phẩm của chúng ta, cũng như trong cơ thể con người.

Mặc dù nước là thứ không thể thiếu, nhưng chúng ta hầu như không chịu khó để giữ cho nó tinh khiết. Dịch bệnh cũng là kết quả của việc chúng ta thờ ơ với chất lượng nước chúng ta uống, hay như không quan tâm đến bầu không khí chúng ta hít thở. Việc uống nước bẩn thường xuyên sinh ra bệnh sỏi.

Nước có thể không tinh khiết theo một trong hai cách, - do chảy ra từ những nơi bẩn, hoặc do chúng ta làm ô uế. Nước chảy ra từ những nơi bẩn thỉu, chúng ta hoàn toàn không nên uống nước đó. Nhưng chúng ta thường không ngần ngại khi uống nước đã bị vấy bẩn bởi chính chúng ta. Ví dụ, nước sông được chúng ta coi là khá tốt để uống, mặc dù chúng ta vứt vào đó đủ thứ rác rưởi, và cũng sử dụng cho mục đích giặt giũ. Chúng ta nên quy định không bao giờ được uống nước sông mà mọi người tắm. Phần trên của sông nên được dành riêng cho nước uống, phần dưới được dành cho mục đích tắm giặt. Ở những nơi không có các quy định như vậy, việc lọc nước qua cát để lấy nước uống là điều nên làm. Nước này rất tinh khiết, vì nó đã được lọc qua cát. Nói chung là có rủi ro khi uống nước giếng, trừ khi nó được bảo vệ tốt; nước bẩn ở phía trên sẽ chảy xuống giếng và làm cho nước trở nên không tinh khiết. Hơn nữa, các loài chim và côn trùng thường rơi xuống nước và chết; đôi khi chim xây tổ bên trong giếng; và chất bẩn bắn xuống khi mưa hay bụi bẩn bay xuống giếng cũng bị trôi xuống nước. Vì tất cả những lý do này, chúng ta nên đặc biệt cẩn thận trong việc uống nước giếng. Nếu muốn sạch sẽ, các bồn chứa phải được rửa sạch thường xuyên và phải được đậy kín; cũng phải cẩn thận để đảm bảo rằng hồ chứa hoặc bể lấy nước từ đó được giám sát trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, rất ít người thực hiện các biện pháp phòng ngừa như vậy để giữ cho nước tinh khiết. Ngoài ra, cách tốt nhất để loại bỏ tạp chất khỏi nước là đun sôi kỹ và sau khi để nguội, lọc cẩn thận vào một vật chứa khác qua một miếng vải dày và sạch. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không kết thúc ở đó. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta có bổn phận đối với đồng loại trong vấn đề này. Chúng ta phải cẩn thận để tránh không làm bất cứ điều khiến ô nhiễm nguồn nước được sử dụng cho tiêu dùng công cộng. Chúng ta phải cẩn thận tránh tắm hoặc rửa nước dành cho tiêu dùng; chúng ta không bao giờ được tiểu tiện gần bờ sông, cũng không nên hỏa táng xác chết ở đó và ném tro sau khi hỏa táng xuống nước.

Bất chấp mọi sự cẩn thận của chúng ta, chúng ta cảm thấy rất khó để giữ cho nước hoàn toàn tinh khiết. Ví dụ, nó có thể có kim loại nặng hòa tan trong đó, hoặc các mẩu cỏ và các vật chất thối rữa khác. Tất nhiên, nước mưa là nước tinh khiết nhất, nhưng trước khi đến tay chúng ta, nó thường trở nên không tinh khiết do sự hấp thụ của các chất trôi nổi trong khí quyển (Trong thời đại ngày nay là khí thải ô nhiễm từ xe cộ, hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp,…). Nước tinh khiết có tác dụng hữu ích nhất đối với cơ thể; do đó các bác sĩ cung cấp nước cất cho bệnh nhân của họ. Những người đang bị táo bón được hưởng lợi đáng kể khi sử dụng nước cất. Nhiều người không biết rằng nước có hai loại, mềmcứng . Nước cứng là nước trong đó một số loại muối đã được hòa tan. Do đó, xà phòng sẽ khó tạo bọt trong đó và nước cứng khó có thể đun sôi thực phẩm. Vị của nước cứng hơi mặn hoặc đắng, trong khi nước mềm có vị ngọt. Uống nước ngọt sẽ an toàn hơn nhiều, mặc dù một số người cho rằng nước cứng tốt hơn do sự hiện diện của các chất dinh dưỡng hòa tan trong đó, nhưng sự thực là nước cứng có hại. Nước mưa trước kia là loại nước mềm tốt nhất, và do đó, tốt nhất cho mục đích uống (Ngày nay không còn đúng, do nước mưa cũng đã ô nhiễm từ khí thải xe cộ, nhà máy, xí nghiệp…). Nước cứng, nếu đun sôi và để trên lửa trong khoảng nửa giờ, sẽ trở nên mềm. Sau đó, nó có thể được lọc và uống.

Câu hỏi thường được đặt ra, "Nên uống nước khi nào, và uống bao nhiêu?" Câu trả lời an toàn duy nhất cho điều này là: người ta chỉ nên uống nước khi cảm thấy khát, và thậm chí khi đó chỉ đủ để làm dịu cơn khát. Không có hại khi uống nước trong bữa ăn hoặc ngay sau đó.

Thông thường, không nhất thiết phải uống nhiều nước. Như đã đề cập, có một tỷ lệ lớn nước trong thực phẩm thông thường của chúng ta, và chúng ta cũng thêm nước khi nấu chúng.

Chúng ta có thể bị cám dỗ để uống bất kỳ loại nước nào mà chúng ta bắt gặp, đơn giản vì chúng ta thấy một số người làm điều đó mà không phải trả giá. Câu trả lời cho điều này đã được đưa ra liên quan đến không khí. Máu của chúng ta tự nó có sức mạnh tiêu diệt nhiều yếu tố độc hại xâm nhập vào nó, nhưng nó phải được làm mới và thanh lọc, giống như cạnh sắc của một thanh kiếm phải được mài lại khi nó đã được sử dụng một lần. Do đó, nếu chúng ta tiếp tục uống nước không tinh khiết, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy cuối cùng máu của chúng ta đã bị nhiễm độc hoàn toàn.



Chương V

ĐỒ ĂN


Không thể đặt ra các quy tắc cứng nhắc và nhanh trong vấn đề thực phẩm. Chúng ta nên ăn loại thực phẩm nào, nên ăn bao nhiêu và vào thời điểm nào, - đây là những câu hỏi mà quan điểm từ các bác sĩ là rất khác nhau. Cách sống của con người rất đa dạng, đến nỗi cùng một loại thực phẩm cho ta thấy những tác động khác nhau đối với những cá nhân khác nhau. Mặc dù vậy, tuy không thể nói chính xác loại thực phẩm mà chúng ta nên ăn, nhưng rõ ràng nhiệm vụ của mỗi cá nhân là phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Không cần nói, cơ thể không thể tồn tại nếu không có thức ăn. Chúng ta phải chịu đủ mọi đau khổ và thiếu thốn để có đồ ăn. Tuy nhiên, đồng thời, không thể chối cãi rằng 99,9% đàn ông và phụ nữ trên thế giới chỉ ăn để làm hài lòng khẩu vị. Họ không bao giờ dừng lại để nghĩ đến những hậu quả sau khi ăn. Nhiều người dùng thuốc tẩy và thuốc tiêu hóa để có thể ăn ngon miệng. Sau đó, có một số người, sau khi ăn hết khả năng của mình, nôn ra hết những gì đã ăn, và tiếp tục ăn những thứ tương tự một lần nữa! Thật vậy, một số người ăn uống xa xỉ đến mức trong hai hoặc ba ngày kế tiếp, họ không hề cảm thấy đói. Trong một số trường hợp, con người thậm chí đã chết vì ăn quá nhiều. Tôi nói tất cả những điều này từ kinh nghiệm của riêng tôi. Khi tôi nghĩ về những ngày trước kia của mình, tôi muốn cười vì nhiều thứ, và không thể không xấu hổ về một số điều. Vào những ngày đó, tôi thường uống trà vào buổi sáng, ăn sáng hai hoặc ba giờ sau đó, ăn trưa lúc một giờ, lại uống trà lúc 3 giờ chiều, và ăn tối từ 6 đến 7 giờ tối! Tình trạng của tôi lúc đó là đáng buồn nhất. Có rất nhiều mỡ thừa trên cơ thể tôi, và những chai thuốc luôn có sẵn trên tay. Để có thể ăn uống tốt, trước đây tôi thường xuyên uống thuốc tẩy giun cũng như một số loại thuốc bổ hay những loại khác. Trong những ngày đó, tôi không có một phần ba khả năng hiện tại để làm việc, mặc dù thực tế là khi đó tôi đang ở độ tuổi thanh xuân và sung sức nhất. Một cuộc sống như vậy chắc chắn là đáng thương, và nếu chúng ta xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, suy nghĩ kĩ càng, chúng ta cũng phải thừa nhận nó là xấu xa, tội lỗi và đáng khinh bỉ vô cùng.

Con người sinh ra không phải để ăn, và anh ta không nên sống để ăn. Chức năng thực sự của anh ta là nhận biết và phục vụ Đấng tạo ra mình; nhưng, vì cơ thể cần thiết cho chức năng trên, nên chúng ta nhất thiết phải ăn. Ngay cả những người vô thần cũng sẽ thừa nhận rằng chúng ta chỉ nên ăn để giữ gìn sức khỏe, và không nhiều hơn mức cần thiết cho mục đích này.

Quay sang các loài chim và thú, và bạn tìm thấy gì? Chúng không bao giờ ăn chỉ để làm hài lòng khẩu vị, chúng không bao giờ ăn đến mức bụng no căng. Mặt khác, chúng ăn chỉ để xoa dịu cơn đói, và thậm chí sau đó chỉ tiếp tục ăn vừa đủ để tiếp tục xoa dịu cơn đói. Chúng lấy thức ăn do Thiên nhiên cung cấp, và không nấu thức ăn của chúng. Có khi nào chỉ có một mình con người được tạo ra để tôn thờ khẩu vị? Chẳng lẽ chỉ có một mình con người phải chịu đựng bệnh tật vĩnh viễn sao? Những con vật sống một cuộc sống tự do tự nhiên không bao giờ chết vì đói. Trong số chúng không có sự phân biệt sang hèn, - giữa những loài ăn nhiều lần trong ngày và những loài không ăn dù chỉ một bữa ăn trong ngày. Những bất thường này chỉ được tìm thấy trong con người chúng ta, và chúng ta tự coi mình là cao cấp hơn loài động vật! Chắc hẳn những kẻ suốt ngày tôn thờ đồ ăn trong bụng còn thấp kém hơn loài chim muông và dã thú.

Suy ngẫm bình tĩnh sẽ cho thấy rằng tất cả tội lỗi như nói dối, gian lận và ăn cắp cuối cùng là do chúng ta phục tùng khẩu vị. Người có khả năng kiểm soát vòm miệng sẽ dễ dàng kiểm soát các giác quan khác. Nếu chúng ta nói dối, hoặc trộm cắp hoặc ngoại tình, chúng ta sẽ bị xã hội coi thường, nhưng lạ lùng thay, không ai chê bai những người tôn thờ vòm miệng. Có vẻ như đây không phải là một vấn đề đạo đức gì cả! Thực tế là ngay cả những người giỏi nhất trong chúng ta cũng là nô lệ cho khẩu vị. Chưa ai cảnh báo một cách thỏa đáng về vô số thói xấu phát sinh từ thói quen ăn uống chỉ để thỏa mãn vòm họng của chúng ta. Tất cả những người đạo đức sẽ tẩy chay công ty của những kẻ dối trá, trộm cắp và ngoại tình; nhưng họ vẫn ăn uống vượt quá mọi giới hạn, và không bao giờ coi đó là tội lỗi. Hành hạ vòm miệng không được chúng ta coi là một tội lỗi, vì tất cả chúng ta đều có tội với nó, cũng như sự ngu ngốc không bị coi là tội trong làng của những kẻ ngu ngốc; nhưng điều tồi tệ hơn, chúng ta tự hào về nó! Trong các dịp cưới hỏi và các lễ hội khác, chúng ta coi đó là một bổn phận thiêng liêng để tôn thờ khẩu vị; ngay cả trong những lúc tang lễ, chúng ta cũng không xấu hổ về việc làm đó. Có khách đến nhà? Chúng ta phải tiếp đãi anh ta bằng những miếng thịt ngọt ngào. Nếu thỉnh thoảng, chúng ta không tổ chức tiệc cho bạn bè và các mối quan hệ của mình, hoặc không dự phần buổi lễ do họ mở ra, chúng ta sẽ trở thành đối tượng của sự khinh miệt. Nếu khi mời bạn bè đi ăn cùng mà chúng ta không thể nhồi nhét cho họ những thứ đồ ăn uống tràn trề, thì chúng ta sẽ bị coi là keo kiệt. Vào ngày lễ, tất nhiên, chúng ta phải chuẩn bị thức ăn đặc biệt phong phú! Thật vậy, thứ thực sự là một tội lỗi lớn đã được coi là dấu hiệu của sự khôn ngoan! Chúng ta đã nuôi dưỡng những quan niệm sai lầm trong vấn đề ăn uống một cách khéo léo đến nỗi chúng ta không bao giờ nhận ra sự hèn hạ và thú tính của mình. Làm thế nào chúng ta có thể tự cứu mình khỏi trạng thái khủng khiếp này?

Hãy xem xét câu hỏi từ một góc độ khác. Chúng ta luôn thấy rằng trong thế giới mà chính Thiên nhiên đã cung cấp cho tất cả các sinh vật, dù là người hay loài thú, loài chim hay côn trùng, chỉ đủ thức ăn cho chúng. Đây là một quy luật vĩnh cửu của Tự nhiên. Trong vương quốc Tự nhiên, không có sinh vật ngủ quên, không sinh vật nào quên làm nhiệm vụ của mình và không một sinh vật nào lười biếng. Tất cả công việc được thực hiện hoàn hảo và chính xác đến từng phút. Nếu chúng ta nhớ sắp xếp cuộc sống của mình một cách nghiêm ngặt tuân theo các quy luật bất biến và vĩnh cửu của Tự nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng không còn những cái chết vì đói ở bất cứ nơi nào trên thế giới rộng lớn. Vì Thiên nhiên luôn cung cấp vừa đủ lương thực để nuôi sống tất cả các sinh vật được tạo ra, nên người nào lấy cho mình nhiều hơn lượng thức ăn bình thường của mình, đang tước đoạt phần chính đáng của người khác. Có phải sự thật rằng, trong bếp của hoàng đế và vua, của tất cả những người giàu có, nói chung, thực phẩm được chuẩn bị nhiều hơn mức cần thiết để nuôi họ và tất cả những người phụ thuộc của họ? Có nghĩa là, họ lấy rất nhiều thức ăn từ phần của người nghèo. Có gì ngạc nhiên khi người nghèo chết vì đói không? Nếu điều này là đúng (và sự thật này đã được thừa nhận bởi những người thận trọng nhất) thì tất cả những thức ăn chúng ta ăn vượt quá nhu cầu trước mắt đều là thức ăn ăn cắp từ dạ dày của những người nghèo. Và vì chúng ta ăn đơn giản chỉ vì mục đích làm hài lòng khẩu vị, nên sức khỏe của chúng ta nhất thiết phải bị ảnh hưởng. Sau cuộc thảo luận sơ bộ này, chúng ta có thể tiến hành xem xét loại thức ăn nào là tốt nhất cho chúng ta.

Tuy nhiên, trước khi quyết định câu hỏi về loại thực phẩm lý tưởng cho mình, chúng ta phải xem xét loại thực phẩm nào có hại cho sức khỏe và cần tránh. Theo thuật ngữ "thực phẩm", chúng tôi bao gồm tất cả những thứ được đưa vào cơ thể qua đường miệng, — bao gồm rượu, rượu bhangthuốc phiện, thuốc lá, trà, cà phêca cao, gia vịhương liệu. Tôi tin chắc rằng tất cả các thứ kể trên phải được tránh hoàn toàn, tôi đã dẫn đến sự xác tín này một phần từ kinh nghiệm của bản thân tôi, và một phần từ kinh nghiệm của những người khác.

Rượu, bhang và thuốc phiện đã bị lên án bởi tất cả các tôn giáo trên thế giới, mặc dù tổng số người kiêng chúng hoàn toàn rất giới hạn. Nhậu nhẹt đã kéo theo sự tan nát của rất nhiều gia đình. Người say rượu mất đi sự tỉnh táo của mình; Anh ta thậm chí còn được biết là quên sự phân biệt giữa mẹ, vợ và con gái. Cuộc sống của anh ấy trở thành một gánh nặng đối với chính anh ấy. Ngay cả những người đàn ông bình thường có năng lực cũng trở thành những cỗ máy ngưng hoạt động khi họ uống rượu; ngay cả khi không thực sự chịu ảnh hưởng của nó, tâm trí của họ quá bất lực để làm bất kỳ công việc nào. Một số người nói rằng rượu vang vô hại khi được sử dụng làm thuốc, nhưng ngay cả các bác sĩ châu Âu cũng bắt đầu từ bỏ quan điểm này trong nhiều trường hợp. Một số người ủng hộ thức uống này cho rằng trong khi rượu vang có thể được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh, nó cũng có thể được sử dụng như một thức uống. Nhưng nhiều chất độc được dùng để làm thuốc chữa bệnh; chúng ta có bao giờ mơ ước sử dụng chúng làm thức ăn không? Rất có thể, trong một số bệnh, rượu vang có thể có tác dụng tốt, nhưng ngay cả khi đó, không một người cẩn thận hoặc chu đáo nào nên đồng ý sử dụng nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối với thuốc phiện, nó gây hại không kém rượu, và cũng cần phải tránh xa như vậy. Chúng ta đã chẳng nhìn thấy một quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc rơi vào cơn mê chết người của thuốc phiện và vào tay tử thần, khiến chính họ không có khả năng duy trì nền độc lập của mình? Chúng ta đã không thấy những người chủ đất của chính vùng đất của chúng ta mất đi địa hạt cuả họ dưới ảnh hưởng chết người tương tự?

Câu thần chú đã được thêu dệt trong tâm trí người nghiện thuốc lá đến mức phải mất một thời gian dài để phá bỏ nó. Tất cả già trẻ lớn bé cũng đã phải chịu đựng số phận oan nghiệt này. Ngay cả những người đàn ông tài giỏi nhất cũng không né tránh được việc sử dụng thuốc lá. Việc sử dụng nó, thực sự, đã trở thành một vấn đề rõ ràng với chúng ta, và đang ngày càng lan rộng hơn mỗi ngày. Rất ít người nhận thức được nhiều thủ đoạn mà các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng để khiến chúng ta ngày càng bị ảnh hưởng bởi nó. Họ thêm thuốc phiện hoặc một số axit thơm lên điếu thuốc lá, để việc thoát khỏi nanh vuốt của nó ngày càng khó khăn hơn. Họ chi hàng ngàn bảng Anh cho các quảng cáo. Nhiều công ty châu Âu kinh doanh xì gà có xưởng ép riêng, có rạp chiếu phim riêng, tổ chức quay xổ số và trao giải thưởng, và tóm lại, họ tiêu tiền quảng cáo như nước để đạt được kết quả cuối cùng. Ngay cả phụ nữ bây giờ đã bắt đầu hút thuốc. Và những bài thơ đã được viết về cây thuốc lá, ca ngợi nó như là người bạn tuyệt vời của người nghèo!

Những tác hại của việc hút thuốc lá có quá nhiều không thể kể xiết. Người hút thuốc có thói quen trở thành nô lệ cho điếu thuốc đến nỗi anh ta không biết xấu hổ và hối hận; miệng họ bắt đầu thở ra khói hôi ngay cả trong nhà của những người lạ! Đó cũng là một kinh nghiệm phổ biến mà những người hút thuốc thường bị cám dỗ để thực hiện tất cả các loại tội lỗi. Con cái ăn trộm tiền trong túi xách của bố mẹ; và ngay cả những tù nhân trong nhà tù cũng ăn cắp thuốc lá từ quản lý và cất giấu cẩn thận. Người hút thuốc có thể không thấy đói, nhưng anh ta sẽ không thể làm việc gì nếu không có điếu thuốc của mình! Chúng ta biết rằng những người lính trên chiến trường mất hết khả năng chiến đấu vì thiếu đi điếu thuốc trong thời điểm quan trọng.

Bá tước Leo Tolstoi quá cố của Nga kể cho chúng ta câu chuyện sau đây. Một người đàn ông nào đó đã từng tự lao mình vào suy nghĩ phạm tội, vì một lý do nào đó, đã định giết vợ mình. Anh ta thực sự đã rút con dao và chuẩn bị làm việc đó, ban đầu anh ta cảm thấy có chút e ngại, và từ bỏ nó. Sau đó, anh ta ngồi xuống hút thuốc, và tinh thần của anh ta bị ảnh hưởng bởi thuốc lá, anh ta đã đứng dậy một lần nữa và thực hiện vụ giết người. Tolstoi tin rằng chất độc của thuốc lá tinh vi hơn và không thể cưỡng lại được, và do đó nguy hiểm hơn rất nhiều so với chất độc của rượu.

Thứ hai, số tiền chi tiêu cho xì gà và thuốc lá của các cá nhân là rất lớn. Bản thân tôi đã gặp những trường hợp một người đàn ông tốn 75 Rs một tháng cho xì gà!

Hút thuốc cũng dẫn đến giảm đáng kể khả năng tiêu hóa. Người hút thuốc cảm thấy không có cảm giác thèm ăn, và để tạo cho đồ ăn một số hương vị, gia vị và hương liệu phải được sử dụng một cách dư thừa. Hơi thở của anh ấy có mùi hôi, và trong một số trường hợp, mụn nước được hình thành trên mặt, nướu và răng chuyển sang màu đen. Nhiều người hút thuốc cũng trở thành con mồi của những căn bệnh khủng khiếp. Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí xung quanh, và hậu quả là sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. Tôi không thể hiểu làm thế nào những người lên án việc uống rượu lại có thể kiên trì bảo vệ việc hút thuốc. Người đàn ông không tránh xa thuốc lá dưới mọi hình thức không bao giờ có thể hoàn toàn khỏe mạnh, cũng như không thể là người có phẩm chất trong sạch và cao thượng.

Tôi phải nói rằng trà, cà phê và ca cao đều có hại cho sức khỏe như nhau, mặc dù tôi biết rằng rất ít người có khả năng đồng ý với tôi. Có một loại chất độc trong số chúng; và, trong trường hợp trà và cà phê, nếu không thêm sữa và đường, sẽ hoàn toàn không có yếu tố bổ dưỡng nào trong chúng. Bằng các thí nghiệm lặp đi lặp lại và đa dạng, người ta đã xác định được rằng không có gì trong các thứ này có khả năng cải thiện máu. Cho đến một vài năm trước, chúng ta thường chỉ uống trà và cà phê vào những dịp đặc biệt, nhưng ngày nay chúng đã trở thành thứ không thể thiếu trên toàn thế giới. Mọi thứ đã trôi nhanh đến nỗi ngay cả những người ốm yếu cũng thường sử dụng chúng như thứ để thay thế cho thực phẩm bổ dưỡng!

May mắn thay cho chúng ta, sự đắt đỏ của ca cao đã ngăn cản sự lan tràn của nó ở mức độ tương tự như trà và cà phê, mặc dù, ở nhà của những người giàu, nó được sử dụng khá thoải mái.

Có thể thấy rằng cả ba thứ này đều độc hại từ thực tế là những người đã từng tiếp xúc với chúng về sau này sẽ không bao giờ tiếp tục được nếu không có chúng. Ngày xưa, bản thân tôi đã từng cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản nếu tôi không uống trà đúng bữa. Có lần khoảng 400 phụ nữ và trẻ em đã tụ họp cùng nhau để tổ chức một lễ kỉ niệm. Ban điều hành đã kiên quyết không mời khách uống trà. Tuy nhiên, những người phụ nữ tập trung ở đó, có thói quen uống trà lúc 4 giờ mỗi chiều. Các nhà chức trách được thông báo rằng, nếu những người phụ nữ này không được uống trà như bình thường, họ sẽ quá yếu để đi lại, và, không cần phải nói, ban điều hành phải hủy bỏ quyết định ban đầu là không mời trà! Nhưng một số chậm trễ trong việc chuẩn bị trà đã dẫn đến một cuộc náo động, và sự náo động chỉ lắng xuống sau khi những người phụ nữ uống hết tách trà của mình! Tôi có thể đảm bảo tính xác thực của sự việc này. Ở một khía cạnh khác, một phụ nữ được xác định đã mất hết khả năng tiêu hóa dưới ảnh hưởng của trà, và trở thành con mồi của chứng đau đầu kinh niên; nhưng kể từ thời điểm cô ấy từ bỏ trà, sức khỏe của cô ấy bắt đầu cải thiện một cách ổn định. Một bác sĩ của thành phố Battersea ở Anh đã tuyên bố, sau khi điều tra cẩn thận, các mô não của hàng nghìn phụ nữ trong huyện của ông - đã bị bệnh do sử dụng quá nhiều trà. Bản thân tôi đã gặp rất nhiều trường hợp sức khỏe bị hủy hoại vì trà.

Cà phê có tác dụng chống lại Kapah (đờm) và Vatha (cảm), nhưng đồng thời nó làm cơ thể suy yếu bằng cách phá hủy chất dịch quan trọng và làm cho máu loãng như nước. Đối với những người ủng hộ cà phê cho rằng nó có lợi cho việc chống lại "đờm" và "cảm", chúng tôi muốn gợi ý nước ép của gừng thậm chí còn tốt hơn cho mục đích này. Và, mặt khác, chúng ta hãy nhớ rằng những tác động xấu của cà phê là quá nghiêm trọng để có thể được cân bằng với lợi ích của nó. Khi máu và dịch quan trọng bị nhiễm độc bởi cà phê, còn do dự gì mà không từ bỏ nó hoàn toàn?

Ca cao cũng có hại như cà phê, và nó chứa một chất độc làm suy giảm chức năng cảm giác của làn da.

Những người nhận ra giá trị của việc cân nhắc tính đạo đức trong những vấn đề này nên nhớ rằng trà, cà phê và ca cao được chế biến bởi hầu hết những người lao động tự do, vốn chỉ là một danh xưng tốt đẹp cho chế độ nô lệ. Nếu chúng ta tận mắt chứng kiến ​​sự đối xử áp bức đối với những người lao động trong đồn điền ca cao, thì chúng ta không bao giờ nên dùng ca cao. Thật vậy, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ lưỡng các phương pháp để có được tất cả các mặt hàng thực phẩm của mình, chúng ta sẽ phải bỏ 90% hàng hóa trong số đó!

Một thức uống thay thế vô hại và lành mạnh cho cà phê (trà hoặc ca cao) có thể được chuẩn bị như sau. Và ngay cả những người thường xuyên uống cà phê sẽ không thể cảm nhận được bất kỳ sự khác biệt nào về hương vị giữa cà phê và thức uống thay thế này. Lúa mì tốt và được sàng kỹ sẽ được cho vào chảo chiên trên lửa và chiên kỹ cho đến khi nó chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn và sau bắt đầu có màu sẫm. Sau đó, nghiền chúng thành bột sẽ được thứ giống như cà phê. Sau đó cho một thìa bột vào cốc và đổ nước sôi vào đó. Tốt hơn là đun trên lửa trong một phút, và thêm sữa và đường, nếu cần, và bạn sẽ có được một thức uống ngon, rẻ hơn và tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với cà phê. Những ai muốn đỡ vất vả khi chuẩn bị loại bột này có thể lấy từ đạo tràng Satyagraha ở Ahmedabad.

Từ quan điểm về chế độ ăn uống, toàn thể nhân loại có thể được chia thành ba nhóm lớn, (1) Nhóm thứ nhất, lớn nhất, bao gồm những người, dù theo sở thích hay theo nhu cầu, sống theo chế độ ăn chay (ăn ngũ cốc và rau). Dưới sự phân chia này, gồm một bộ phận lớn ở Ấn Độ, một phần châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Chế độ ăn chủ yếu của người Ý là mì ống, khoai tây ở Ailen, bột yến mạch ở Scotland, và gạo ở Trung Quốc và Nhật Bản. (2) Hạng thứ hai gồm những người sống theo chế độ ăn hỗn hợp. Dưới nhóm này, hầu hết là người dân nước Anh, những tầng lớp giàu có nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản, những người Hồi giáo giàu có nhất ở Ấn Độ, cũng như những người theo đạo Hindu giàu có, và những người không bị ràng buộc về tôn giáo trong việc giết thịt. (3) Hạng thứ ba thuộc về những dân tộc không văn minh ở các vùng băng giá, những người sống theo chế độ ăn thịt độc nhất. Họ không nhiều lắm, và họ cũng đưa một yếu tố thực vật vào chế độ ăn uống của họ, ở bất cứ nơi nào họ tiếp xúc với các chủng tộc văn minh của châu Âu. Vậy thì, con người có thể sống với ba loại chế độ ăn; nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải xem xét cái nào trong số này là lành mạnh nhất cho chúng ta.

Một cuộc kiểm tra về cấu trúc của cơ thể con người dẫn đến kết luận rằng con người được Thiên nhiên định liệu để sống bằng chế độ ăn thực vật. Có mối quan hệ gần gũi nhất giữa các cơ quan của cơ thể người và các cơ quan của động vật ăn quả. Ví dụ, con khỉ rất giống con người về hình dạng và cấu trúc, và nó là một loài động vật ăn trái cây. Răng và dạ dày của nó cũng giống như răng và dạ dày của con người. Từ đó chúng ta có thể suy ra rằng con người sống dựa vào rau củ và trái cây, chứ không phải nhờ thịt.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng các thí nghiệm rằng trái cây có trong chúng tất cả các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của con người. Trái cây, như cam, quả chà là, quả nho, quả táo, quả hạnh nhân, quả óc chó, hạt đậu, quả dừa, - tất cả những loại quả này đều chứa một tỷ lệ lớn chất dinh dưỡng đủ các loại. Các nhà khoa học trên thậm chí còn cho rằng con người không cần phải nấu thức ăn của mình. Họ cho rằng anh ta có thể sống rất tốt bằng thực phẩm được làm chín bằng hơi ấm của Mặt trời, như tất cả các động vật bậc thấp đang làm; và họ nói rằng các thành phần dinh dưỡng tốt nhất trong thực phẩm bị phá hủy trong quá trình nấu nướng, và những thứ không thể ăn được khi chưa nấu chín tức là chúng không được Thiên nhiên dành làm thực phẩm cho ta theo bản chất tự nhiên.

Nếu quan điểm này là đúng, thì hiện nay chúng ta đang lãng phí rất nhiều thời gian quý báu của mình trong việc nấu nướng. Nếu chúng ta có thể sống chỉ bằng thức ăn chưa nấu chín, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, năng lượng cũng như tiền bạc, tất cả chúng có thể được sử dụng cho những mục đích hữu ích hơn.

Một số người chắc chắn sẽ nói rằng thật vô ích và ngu ngốc khi suy đoán rằng con người sẽ chuyển sang thức ăn chưa nấu chín, vì hoàn toàn không có hy vọng rằng họ sẽ làm như vậy. Nhưng chúng tôi hiện không xem xét những gì mọi người sẽ làm hoặc sẽ không làm, mà chỉ xem những gì họ nên làm. Chỉ khi chúng ta biết được dạng ăn uống lý tưởng là gì thì chúng ta mới có thể ngày càng tiến gần hơn đến hạnh phúc của mình. Khi chúng tôi nói rằng chế độ ăn trái cây là tốt nhất, tất nhiên chúng tôi không mong đợi tất cả con người sẽ ăn ngay được. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng nếu họ tuân theo chế độ ăn này thì đó sẽ là điều tốt nhất cho họ. Có rất nhiều người đàn ông ở Anh đã thử chế độ ăn hoàn toàn bằng trái cây, và đã ghi lại kết quả từ trải nghiệm của họ. Đây là những người đã áp dụng chế độ ăn này, không phải vì lý do tôn giáo, mà đơn giản là vì lợi ích sức khỏe. Một bác sĩ người Đức đã viết một số lượng lớn nội dung về chủ đề này, và đã xác lập giá trị của chế độ ăn trái cây bằng nhiều lý lẽ và bằng chứng. Ông đã chữa khỏi nhiều bệnh nhờ chế độ ăn uống nhiều trái cây kết hợp với cuộc sống ngoài trời. Ông còn đi xa hơn khi nói rằng người dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tìm thấy tất cả các chất dinh dưỡng trong trái cây của chính quê hương mình.

Việc ghi lại kinh nghiệm của bản thân tôi về vấn đề này là có cơ sở. Trong sáu tháng qua, tôi đã sống hoàn toàn bằng trái cây - từ chối ngay cả sữa và bơ sữa (Trong cuốn “Chìa khóa cho sức khỏe” – xuất bản 1948, ông đã bổ sung sữa vào chế độ ăn uống). Chế độ ăn hiện tại của tôi bao gồm dầu thực vật, lạc và dầu ô liu, với một số trái cây chua như chanh. Tôi không thể nói rằng thí nghiệm của tôi đã hoàn toàn thành công, và khoảng thời gian sáu tháng là quá ngắn để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về vấn đề quan trọng như việc thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống. Tuy nhiên, tôi có thể nói điều này rằng, trong giai đoạn này, tôi đã ít bị bệnh tật tấn công hơn, và sức mạnh thể chất cũng như tinh thần của tôi bây giờ đã lớn hơn trước. Tôi từng không nâng được vật nặng, nhưng hiện giờ tôi có thể lao động nặng nhọc trong một thời gian dài mà không bị mệt mỏi. Tôi cũng có thể làm việc trí óc nhiều hơn, cùng với sự kiên trì và quả quyết tốt hơn. Tôi đã thử một chế độ ăn trái cây cho nhiều người ốm yếu, chúng luôn luôn mang lại lợi ích lớn. Tôi sẽ mô tả những kinh nghiệm này trong phần về bệnh tật. Ở đây tôi sẽ chỉ nói rằng kinh nghiệm của bản thân, cũng như quá trình nghiên cứu của tôi về chủ đề này, đã khẳng định niềm tin của tôi rằng chế độ ăn trái cây là tốt nhất cho chúng ta.

Như tôi đã thú nhận, tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ thực hiện chế độ ăn trái cây ngay khi họ đọc được điều này. Thậm chí có thể mọi thứ tôi đã viết đều không ảnh hưởng đến một độc giả nào, nhưng tôi tin rằng nhiệm vụ cấp thiết của tôi là phải nêu rõ những gì tôi cho là đúng theo kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất tôi hiện có.

Tuy nhiên, nếu ai đó muốn thử chế độ ăn trái cây, anh ta nên tiến hành một cách thận trọng để đạt được kết quả tốt nhất. Anh ta nên cẩn thận xem qua tất cả các chương của cuốn sách này và nắm bắt đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, trước khi anh ta tiến hành bất cứ điều gì trong thực tế. Yêu cầu của tôi đối với độc giả của tôi là họ nên bảo lưu các phán định cuối cùng của mình cho đến khi họ đọc hết những gì tôi nói.

Chế độ ăn rau là tốt nhất sau chế độ ăn trái cây. Theo thuật ngữ này, chúng bao gồm tất cả các loại thảo mộc và ngũ cốc, cũng như sữa. Rau không bổ dưỡng như trái cây vì chúng mất đi một phần hiệu quả trong quá trình nấu ăn. Tuy nhiên, chúng ta không thể ăn rau chưa nấu chín. Bây giờ chúng ta sẽ tiến hành xem xét loại rau nào là tốt nhất cho chúng ta.

Lúa mì là loại tốt nhất trong tất cả các loại ngũ cốc. Con người có thể sống chỉ nhờ vào lúa mì, vì trong đó chúng ta có tất cả các nguyên tố dinh dưỡng theo tỷ lệ thích hợp. Nhiều loại đồ ăn có thể chế biến bằng lúa mì, và tất cả chúng đều có thể được tiêu hóa dễ dàng. Các bữa ăn chế biến sẵn cho trẻ em do dược sĩ bán một phần cũng được làm từ lúa mì. Kê và ngô thuộc cùng một chi, cũng có thể làm bánh và bánh mì từ chúng, nhưng chúng kém hơn lúa mì về giá trị dinh dưỡng. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét cách thức lúa mì được sử dụng tốt nhất. "Bột nghiền" màu trắng được bán trong các quầy hàng của chúng tôi là khá vô dụng; nó không chứa chất dinh dưỡng nào cả. Một bác sĩ người Anh nói với chúng tôi rằng một con chó chỉ được cho ăn bột này đã chết, trong khi những con chó khác được cho ăn bột tốt hơn vẫn khá khỏe mạnh. Có nhu cầu lớn về bánh mì làm bằng bột này, vì con người chỉ ăn để thỏa mãn khẩu vị của họ, và hiếm khi bị lay động bởi những suy nghĩ về sức khỏe. Những ổ bánh này không có hương vị và dinh dưỡng, cũng như độ mềm. Chúng trở nên cứng đến mức không thể dùng tay bẻ được.Dạng bột tốt nhất là bột được làm từ lúa mì đã được sàng kỹ trong máy xay ở nhà. Bánh mì được làm từ nó có hương vị khá ngọt, cũng như khá mềm.

Những ổ bánh mì bán ở các quầy hàng hoàn toàn vô dụng. Nó có thể khá trắng và có vẻ ngoài hấp dẫn, nhưng nó luôn bị tạp nhiễm. Điều tồi tệ nhất của nó là nó được tạo ra bằng cách lên men. Nhiều người đã làm chứng từ kinh nghiệm rằng bột nhào lên men có hại cho sức khỏe (Chú giải: Kinh nghiệm này không còn đúng với phương thức lên men bánh mì trong thời đại ngày nay, bánh mì lên men đã được chứng minh là có lợi). Hơn nữa, những chiếc bánh này được làm bằng cách tráng lò với mỡ, là việc phải tránh đối với người Hindu cũng như người Hồi giáo. Để lấp đầy dạ dày với những ổ bánh mì bazar này thay vì chuẩn bị những ổ bánh mì ngon và tốt ở nhà, chính là dấu hiệu của sự lười biếng.

Một cách khác và dễ dàng hơn để ăn lúa mì là cách này. Lúa mì được nghiền thành hạt thô, sau đó được nấu chín và trộn với sữa và đường. Đây là một loại thực phẩm rất ngon và tốt cho sức khỏe.

Gạo là thực phẩm khá vô ích. Thật vậy, thật đáng nghi ngờ nếu con người có thể chỉ dựa vào gạo, mà không có các sản phẩm bổ dưỡng khác như đậu lăng, bơ sữasữa. Đây không giống với trường hợp của lúa mì, vì con người có thể giữ được sức khỏe của mình bằng cách chỉ sống bằng lúa mì nấu chín trong nước.

Chúng tôi dùng các loại thảo mộc chủ yếu vì hương vị của chúng. Vì chúng có khả năng nhuận tràng, nên giúp thanh lọc máu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, chúng chỉ là một loại cỏ thơm, và rất khó tiêu hóa. Những người dùng quá nhiều có thân hình suy nhược; họ rất thường xuyên bị chứng khó tiêu, và họ thường phải uống thuốc tiêu hóa và bột nhuận tràng. Do đó, nếu chúng ta sử dụng chúng, chúng ta nên uống có chừng mực.

Tất cả các loại đậu đều khó tiêu hóa. Công dụng của chúng là những người ăn chúng không bị đói trong một thời gian dài; nhưng chúng cũng dẫn đến chứng khó tiêu trong hầu hết các trường hợp. Những người lao động nặng nhọc có thể tiêu hóa chúng và thu được một số lợi ích từ chúng. Nhưng chúng ta, những người sống cuộc sống ít vận động nên hạn chế ăn chúng.

Hầu hết mọi nơi ở Ấn Độ, gia vị và hương liệu được sử dụng tự do, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ngay cả những người da đen châu Phi cũng không thích mùi vị của masala của chúng tôi và từ chối ăn thức ăn trộn lẫn với nó. Và nếu người da trắng ăn masala, dạ dày của họ không ổn định, và mụn xuất hiện trên khuôn mặt của họ, như tôi đã rút ra từ kinh nghiệm của chính mình. Thực tế là bản thân masala không có nghĩa là ngon, nhưng chúng ta từ lâu đã quen với việc sử dụng nó nên hương vị của nó hấp dẫn chúng ta. Nhưng, như đã được giải thích ở trên, thật sai lầm nếu ăn bất cứ thứ gì chỉ vì hương vị của nó.

Vậy thì làm sao mà masala lại được chúng ta ăn một cách tùy ý như vậy? Phải thừa nhận rằng, chúng dễ tiêu, và khiến ta có thể ăn nhiều thứ hơn. Hạt tiêu, mù tạt, rau mùi và các loại gia vị khác có khả năng hỗ trợ tiêu hóa một cách nhân tạo và tạo ra một loại cảm giác đói giả tạo. Nhưng sẽ là sai lầm nếu từ đó suy ra rằng tất cả thức ăn đã được tiêu hóa triệt để và hấp thụ vào trong cơ thể. Những người dùng quá nhiều masala thường bị thiếu máu, thậm chí bị tiêu chảy. Tôi biết một người đàn ông thậm chí đã chết khi còn trẻ vì ăn quá nhiều tiêu. Do đó, nó là khá cần thiết để tránh tất cả các gia vị.

Những gì đã được nói về masala cũng áp dụng cho muối. Hầu hết mọi người sẽ phẫn nộ trước đề nghị này, nhưng đó là một thực tế được xác lập bằng kinh nghiệm. Có một trường học ở Anh thậm chí còn giữ quan điểm rằng muối có hại hơn hầu hết các loại gia vị. Vì có đủ muối trong thành phần của các loại rau chúng ta sử dụng, chúng ta không cần bỏ thêm muối vào đồ ăn. Bản thân thiên nhiên đã cung cấp lượng muối cần thiết để duy trì sức khỏe của chúng ta. Tất cả lượng muối bổ sung mà chúng ta sử dụng là khá thừa; tất cả chúng lại đi ra khỏi cơ thể dưới dạng mồ hôi, hoặc theo những cách khác, và dường như không có phần nào của nó có bất kỳ chức năng hữu ích nào để cung cấp cho cơ thể. Một tác giả thậm chí còn cho rằng muối gây nhiễm độc máu. Ông nói rằng những người không sử dụng muối có máu của họ rất tinh khiết nên họ không bị ảnh hưởng ngay cả khi bị rắn cắn. Chúng tôi không biết đây có phải là sự thật hay không, nhưng điều này chúng tôi biết được từ kinh nghiệm, rằng, trong một số bệnh như bệnh đái dắt và bệnh đau dạ dày, việc không sử dụng muối ngay lập tức tạo ra kết quả có lợi đáng kể. Và, mặt khác, tôi chưa gặp trường hợp nào về việc một người đàn ông suy giảm sức khỏe vì không dùng muối. Bản thân tôi đã từ bỏ việc sử dụng muối hai năm trước, và tôi không những không bị ảnh hưởng bởi nó mà thậm chí còn được hưởng lợi ở một số khía cạnh. Bây giờ tôi không còn uống nhiều nước như trước nữa, và tôi nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng hơn. Lý do tôi không dùng muối là một lý do rất kỳ lạ: bởi vì căn bệnh của một người khác! Người bị bệnh sau một thời gian không nặng hơn mà vẫn giữ nguyên tình trạng bệnh; và tôi tin rằng, nếu như bản thân người bệnh từ bỏ việc sử dụng muối, thì người đó sẽ bình phục hoàn toàn. Tất nhiên, người hoàn toàn từ bỏ việc sử dụng muối có thể cảm thấy khó chịu trong vài ngày; nhưng nếu giữ vững tinh thần, về lâu dài anh ta nhất định được lợi vô cùng. (Chú giải: Muối iot là cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên hơn 90% lượng iốt cơ thể có được là từ thực phẩm. Các loại thức ăn có nhiều iốt là thủy hải sản như cá, tôm, cua, ốc, tảo; rau, trái cây có màu sậm, phủ tạng động vật, nhất là sữa... Vì vậy, không cần thiết dùng muối iot khi đã bổ sung đủ lượng iot từ thực phẩm)


[Gandhi viết đoạn sau năm 1921, tuy nhiên trong cuốn “Chìa khóa cho sức khỏe” xuất bản năm 1948 của ông, ông đã thay đổi quan điểm và thêm sữa vào chế độ ăn: Tôi mạnh dạn coi sữa là một trong những mặt hàng cần tránh! Điều này tôi làm dựa trên kinh nghiệm của riêng tôi, tuy nhiên, không cần phải mô tả chi tiết ở đây. Ý tưởng phổ biến về giá trị của sữa là một sự mê tín thuần túy, và nó đã ăn sâu đến mức con người nghĩ rằng việc loại bỏ nó là điên rồ. Như tôi đã nói nhiều hơn một lần, tôi không ấp ủ hy vọng rằng độc giả của tôi sẽ chấp nhận mọi quan điểm của tôi; Tôi thậm chí không tin rằng tất cả những người chấp nhận chúng trên lý thuyết sẽ áp dụng chúng trong thực tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của tôi là phải nói ra những gì tôi tin là sự thật, để độc giả tự hình thành những đánh giá của họ.

Mầm bệnh trong không khí nhanh chóng xâm nhập vào sữa và làm cho sữa trở nên độc hại, do đó rất khó giữ cho sữa ở trạng thái tinh khiết hoàn hảo. Ở Nam Phi, các quy tắc phức tạp đã được đặt ra đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất sữa, như cách sữa phải được đun sôi và bảo quản, cách giữ các bình sạch sẽ, v.v...

Hơn nữa, độ tinh khiết sữa phụ thuộc vào thức ăn của bò và tình trạng sức khỏe của nó. Và rất hiếm khi bắt gặp một con bò hoàn toàn khỏe mạnh. Điều đó có nghĩa là, rất khó để có được sữa hoàn toàn nguyên chất, vì nó đã bị nhiễm độc từ chính nguồn gốc của nó. Mọi người đều biết rằng một đứa trẻ bú vú của mẹ nó sẽ mắc bất kỳ căn bệnh nào mà người mẹ có thể mắc phải. Và thường khi một đứa trẻ nhỏ bị ốm, thuốc được dùng cho người mẹ, để tác dụng của thuốc có thể đến được đứa trẻ qua sữa mẹ. Cũng giống như vậy, sức khoẻ của những người uống sữa bò sẽ giống như sức khoẻ của chính con bò đó.]

– Chú giải: Vấn đề tồn tại từ thời Gandhi hiện nay đã được giải quyết nhờ quy trình sản xuất sữa được giám sát chặt chẽ. Ngày nay, các quốc gia tiêu thụ sữa nhiều nhất hiện là các đất nước phát triển nhất. Hiện tại người Việt của chúng ta hiện chỉ tiêu thụ 20 L/năm, kém rất xa nước dẫn đầu là Phần Lan, tiêu thụ 430 L/năm. Điều này chưa cho thấy việc tiêu thụ sữa có thực sự có lợi cho sức khỏe hay không, tuy nhiên việc sữa giúp hồi phục nhanh sức khỏe khi ốm là không cần phải bàn cãi.



Việc kiểm tra kỹ cấu trúc của cơ thể con người cho thấy thịt không phải là thức ăn tự nhiên của con người. Tiến sĩ Haig và Tiến sĩ Kingsford có đã chứng minh rất rõ những tác động xấu của thịt đối với cơ thể con người. Họ đã chỉ ra rằng thịt tạo ra một loại axit trong cơ thể. Nó dẫn đến sâu răng, cũng như bệnh thấp khớp, bệnh gút; nó cũng làm nảy sinh những đam mê xấu xa như tức giận, như chúng ta đã thấy, đấy chỉ là một dạng biểu hiện của bệnh tật.

Tóm lại, chúng ta thấy rằng những người chỉ sống bằng trái cây là rất hiếm, nhưng khá dễ dàng để sống bằng sự kết hợp của trái cây, lúa mì và dầu ô liu, và chúng cũng rất có lợi cho sức khỏe . Chà là, nho, mận và cam, và một số loại khác, tất cả đều khá bổ dưỡng. Món ăn ngon có thể được làm từ lúa mì và trái cây, và sự kết hợp giữa sức khỏe và hương vị được đảm bảo.

Câu hỏi tiếp theo cần xem xét là nên ăn bao nhiêu thức ăn và bao nhiêu lần một ngày. Tuy nhiên, vì đây là một chủ đề có tầm quan trọng sống còn, chúng tôi sẽ dành một chương riêng cho nó.



Chương VI

CHÚNG TA NÊN ĂN BAO NHIÊU VÀ BAO NHIÊU LẦN?


Có sự khác biệt lớn về ý kiến ​​giữa các bác sĩ về lượng thức ăn mà chúng ta nên dùng. Một bác sĩ cho rằng chúng ta nên ăn hết khả năng của mình, và ông ấy đã tính toán số lượng các loại thức ăn khác nhau mà chúng ta có thể dùng. Một người khác cho rằng thức ăn của người lao động phải khác về số lượng cũng như chất lượng so với thức ăn của những người làm công việc trí óc, trong khi vị bác sĩ thứ ba cho rằng hoàng tử và nông dân nên ăn cùng một lượng thức ăn. Tuy nhiên, điều thường được chấp nhận, rằng kẻ yếu không thể ăn nhiều như kẻ mạnh. Tương tự như vậy, đàn bà ăn ít hơn đàn ông, trẻ em và đàn ông ăn ít hơn thanh niên trẻ. Một tác giả còn đi xa hơn khi nói rằng, giá như chúng ta nghiền thức ăn của mình thật kỹ, để từng hạt của nó được trộn với nước bọt, thì chúng ta không cần phải ăn nhiều hơn 100 gram hoặc 200 gram thức ăn. Điều này anh ấy nói trên cơ sở vô số các thí nghiệm, và cuốn sách của anh ấy đã được bán với hàng nghìn cuốn. Tất cả những điều này cho thấy rằng việc lên đơn khẩu phần thức ăn cho con người là vô ích.

Hầu hết các bác sĩ thừa nhận rằng 99% con người ăn nhiều hơn mức cần thiết. Thật vậy, đây là một thực tế của kinh nghiệm hàng ngày, và không cần phải được công bố bởi bất kỳ bác sĩ nào. Không có gì phải lo sợ về việc con người hủy hoại sức khỏe của mình do ăn quá ít; và nhu cầu lớn là giảm lượng thức ăn mà chúng ta thường dùng.

Như đã nói ở trên, điều quan trọng nhất là phải nghiền kỹ thức ăn. Làm như vậy, chúng ta sẽ có thể chiết xuất tối đa chất dinh dưỡng từ mức tối thiểu của thực phẩm. Những người có kinh nghiệm chỉ ra rằng phân của một người đàn ông có thức ăn lành mạnh và không ăn quá nhiều, sẽ ít, khá rắn và mịn, màu sẫm và không có mùi hôi. Người không có phân như vậy nên hiểu rằng anh ta đã ăn quá nhiều thức ăn không tốt, và đã không nhai kỹ. Ngoài ra, nếu một người không ngủ được vào ban đêm, hoặc nếu giấc ngủ của anh ta bị rối loạn bởi những giấc mơ, và nếu lưỡi anh ta bẩn vào buổi sáng, anh ta nên biết rằng anh ta đã phạm tội ăn uống quá độ. Và nếu anh ta phải dậy nhiều lần vào ban đêm để tiểu tiện, điều đó có nghĩa là anh ta đã ăn quá nhiều thức ăn lỏng vào ban đêm. Bằng những bài kiểm tra này và các bài kiểm tra khác, mỗi người có thể nhận định lượng thức ăn chính xác cần thiết cho mình. Nhiều người bị hôi miệng chứng tỏ thức ăn của họ chưa được tiêu hóa tốt. Trong nhiều trường hợp, ăn quá nhiều lại sinh ra mụn nhọt ở mặt, ở mũi; và khiến nhiều người bị đầy hơi. Căn nguyên của tất cả những rắc rối này, nói một cách dễ hiểu là chúng ta đã khiến dạ dày của mình thành một nhà xí, và chúng ta mang theo nhà xí này bên mình. Khi xem xét vấn đề dưới góc độ tỉnh táo, chúng ta không khỏi cảm thấy khinh thường bản thân. Nếu chúng ta muốn tránh tội ăn uống quá độ, chúng ta nên phát nguyện tránh các dịp lễ đủ mọi hình thức. Tất nhiên, chúng ta nên tiếp đãi những người đến với chúng ta với tư cách là khách, nhưng không vì vậy mà vi phạm giới luật sức khỏe. Chúng ta có bao giờ nghĩ đến việc mời bạn bè của mình làm sạch răng của họ với chúng ta, hoặc đi uống một cốc nước không? Ăn uống không phải là vấn đề với sức khỏe nghiêm ngặt như những thứ này sao? Vậy thì tại sao chúng ta phải làm ầm ĩ lên như vậy? Chúng ta đã trở thành những kẻ háu ăn theo thói quen đến nỗi lưỡi của chúng ta luôn thèm muốn những cảm giác bất chợt. Do đó, chúng ta nghĩ rằng việc nhồi nhét cho những vị khách những món ăn phong phú là một nhiệm vụ thiêng liêng và chúng ta ấp ủ hy vọng rằng họ cũng sẽ làm như vậy đối với chúng ta, khi họ đến lượt! Nếu, một giờ sau khi ăn, chúng ta yêu cầu một người bạn ưa sự sạch sẽ thơm miệng chúng ta (Chú giải: đây là một truyền thống khi gặp mặt của một số quốc gia Hồi giáo), và nếu anh ta cho chúng ta biết cảm xúc chính xác của mình, chúng ta phải giấu mặt đi vì xấu hổ! Nhưng một số người không biết xấu hổ đến mức họ uống thuốc tẩy ngay sau khi ăn, để họ có thể ăn tiếp hoặc thậm chí nôn ra những gì họ đã ăn để có thể ngồi xuống bữa tiệc ngay lập tức! Vì ngay cả những người tài giỏi nhất trong chúng ta cũng ít nhiều mắc tội ăn uống quá độ, các bậc tổ tiên khôn ngoan của chúng ta đã coi việc nhịn ăn thường xuyên như một nghĩa vụ tôn giáo. Thật vậy, chỉ đơn thuần từ quan điểm sức khỏe, việc nhịn ăn ít nhất một lần trong hai tuần sẽ rất có lợi. Nhiều người theo đạo Hindu ngoan đạo chỉ ăn một bữa một ngày trong mùa mưa. Đây là một thực hành dựa trên các nguyên tắc vệ sinh tốt nhất. Vì khi không khí ẩm và trời nhiều mây, các cơ quan tiêu hóa hoạt động yếu hơn bình thường, do đó nên giảm lượng thức ăn.

Và bây giờ chúng ta sẽ xem xét cần bao nhiêu bữa ăn trong ngày. Phần lớn người ở Ấn Độ chỉ bằng lòng với chỉ hai bữa ăn. Những người lao động nặng nhọc ăn ba bữa, nhưng hệ thống bốn bữa đã hình thành sau khi dược phẩm được phát minh ở Anh! Cuối cùng, một số cộng đồng đã được hình thành ở Anh và ở Mỹ khuyến khích người dân chỉ ăn hai bữa một ngày. Họ nói rằng chúng ta không nên bữa sáng vào sáng sớm, vì giấc ngủ của chúng ta phục vụ cho mục đích của bữa sáng. Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, chúng ta nên chuẩn bị đi làm hơn là ăn. Chúng ta chỉ nên dùng bữa sau khi làm việc ba giờ. Những người theo quan điểm này chỉ ăn hai bữa một ngày và thậm chí không uống trà trong ngày.



Chương VII

TẬP LUYỆN


Tập thể dục là nhu cầu thiết yếu đối với con người như không khí, nước và thức ăn, theo nghĩa là không một người nào không tập thể dục thường xuyên có thể hoàn toàn khỏe mạnh. Bởi "tập thể dục" không có nghĩa là chỉ đơn thuần là đi bộ, hoặc các trò chơi như khúc côn cầu, bóng đá và cricket; chúng bao gồm tất cả các hoạt động thể chất và tinh thần. Luyện tập, cần thiết cho tâm trí cũng như cơ thể. Tâm trí bị suy yếu do tâm trí thiếu hoạt động cũng giống như với cơ thể, và trí óc suy yếu, thực sự, là một dạng bệnh. Ví dụ, một vận động viên, là một chuyên gia đấu vật, không thể được coi là một người đàn ông thực sự khỏe mạnh, trừ khi trí óc của anh ta cũng hoạt động hiệu quả như vậy. Như đã được giải thích, riêng quan niệm "một tâm trí lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh" đã cấu thành sức khỏe thực sự.

Vậy thì, những bài tập nào giữ cho cơ thể và trí óc đều hoạt động hiệu quả như nhau? Thật vậy, Thiên nhiên đã sắp đặt để chúng ta có thể tham gia vào trong công việc thể chất cũng như trí óc cùng một lúc. Phần lớn con người trên trái đất sống bằng công việc đồng áng. Người nông dân phải tập thể dục vất vả bằng bất cứ giá nào, vì anh ta phải làm việc 8 hoặc 10 giờ, hoặc đôi khi thậm chí nhiều hơn, để có thức ăn và quần áo. Và lao động hiệu quả là không thể trừ khi trí óc cũng trong trạng thái tốt. Anh ta phải tham gia vào tất cả các chi tiết tỉ mỉ của nghề nông; anh ta phải có kiến ​​thức tốt về đất và các mùa vụ, và có lẽ cả về chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Ngay cả những người có tri thức nhất cũng sẽ bị người nông dân đánh bại trong những vấn đề này. Anh ta biết tường tận về tình trạng xung quanh mình, anh ta có thể tìm ra phương hướng bằng cách nhìn vào các vì sao trong đêm, và kể rất nhiều điều từ dấu chân các loài chim và thú. Anh ấy biết, chẳng hạn, cơn mưa đó sắp rơi khi một đàn chim cụ thể tụ tập lại với nhau và bắt đầu náo động. Anh ấy biết nhiều điều cần thiết về trái đất cho công việc của mình. Khi phải nuôi dạy con cái của mình, anh ấy đã phải biết đôi điều gì đó về Triết lý. Vì anh ấy sống dưới bầu trời rộng mở, anh ấy dễ dàng nhận ra sự vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Tất nhiên, tất cả con người không thể là nông dân, cuốn sách này cũng không được viết cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi đã mô tả cuộc sống của người nông dân, vì chúng tôi tin chắc rằng đó là cuộc sống tự nhiên của con người. Nếu chúng ta đi chệch khỏi những điều kiện tự nhiên này, liệu chúng ta có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Từ cuộc sống của người nông dân, chúng ta học được rằng chúng ta nên làm việc ít nhất 8 giờ một ngày và nó cũng phải liên quan đến công việc trí óc.

Các thương gia và những người khác sống cuộc sống ít vận động thực sự phải làm một số công việc trí óc, nhưng công việc của họ quá phiến diện và quá thiếu thốn để được gọi là tập thể dục .

Đối với những người như vậy, các nhà giáo dục của phương Tây đã nghĩ ra các trò chơi như cricket và bóng đá, và những trò chơi nhỏ như vậy được chơi trong các bữa tiệc và các buổi tụ họp lễ hội. Đối với công việc trí óc, việc đọc sách không gây ra căng thẳng về tinh thần được quy định. Không nghi ngờ gì những trò chơi này có tác dụng rèn luyện cơ thể, nhưng liệu chúng có mang lại lợi ích như nhau cho trí óc hay không là một câu hỏi được đặt ra. Có bao nhiêu cầu thủ giỏi nhất của bóng đá và cricket là những người có sức mạnh tinh thần vượt trội? Chúng tôi có thể khẳng định từ kinh nghiệm của mình rằng có rất ít cầu thủ trong số những người này có năng lực tinh thần tuyệt vời.

Tuy nhiên, ở đây, ở Ấn Độ, chúng ta đã chọn một con đường hoàn toàn khác! Đàn ông của chúng ta làm những công việc trí óc cực nhọc, nhưng ít hoặc không tập thể dục cho cơ thể. Cơ thể của họ bị suy yếu do căng thẳng tinh thần quá mức và họ bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo; và khi thế giới bắt đầu mong đợi hoa trái từ công việc của họ, họ ra đi vĩnh viễn! Công việc của chúng ta không nên chỉ dành riêng cho thể chất cũng không chỉ là tinh thần, cũng không phải mang tính chất chỉ để phục vụ niềm vui của thời điểm này. Bài tập lý tưởng là bài tập mang lại sức sống cho cơ thể cũng như tinh thần; chỉ có tập thể dục như vậy mới có thể giữ cho một người thực sự khỏe mạnh, và một người như vậy là những người nông dân.

Nhưng một người không phải là nông dân sẽ làm gì? Bài tập mà các trò chơi như cricket đưa ra là rất không đủ, và phải nghĩ ra thứ khác. Điều tốt nhất đối với những con người bình thường là giữ một khu vườn nhỏ gần nhà và làm việc trong đó vài giờ mỗi ngày. Một số người có thể hỏi, "Chúng tôi có thể làm gì nếu tòa nhà chúng tôi đang sống không phải của riêng chúng tôi?" Đây là một câu hỏi ngớ ngẩn để đặt ra, vì bất cứ ai có thể là chủ nhân của ngôi nhà, anh ta sẽ không phản đối việc mảnh đất của mình được cải tạo tốt miễn phí bằng việc trồng trọt từ người khác. Và chúng ta sẽ hài lòng khi cảm thấy rằng chúng ta đã giúp giữ cho mặt đất của người khác gọn gàng và sạch sẽ. Những người không có thời gian để rèn luyện như vậy hay người không thích việc trên, có thể dùng đến đi bộ, đây là bài tập tốt nhất tiếp theo. Thực sự đi bộ đã được mô tả là Nữ hoàng của tất cả các bài tập. Lý do chính mà Sadhus và Fakirs (những người khổ hành) của chúng tôi mạnh mẽ và dẻo dai là vì họ chỉ di chuyển trên khắp đất nước bằng cách đi bộ. Thoreau, nhà văn lớn của Mỹ, đã nói nhiều điều đáng chú ý về việc đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Ông nói rằng những tác phẩm nghệ thuật của những người giữ mình ở trong nhà và không bao giờ ra ngoài trời, sẽ yếu kém như chính cơ thể của họ. Đề cập đến kinh nghiệm của bản thân, anh ấy nói rằng tất cả các tác phẩm hay nhất của anh ấy đều được viết khi anh ấy đang đi bộ dài. Anh là một người đi bộ đều đặn đến mức bốn hoặc năm giờ một ngày với anh là một việc khá bình thường! Niềm đam mê tập thể dục của chúng ta phải trở nên mạnh mẽ đến mức chúng ta không thể sống thiếu chúng. Chúng ta hầu như không nhận ra công việc trí óc của mình yếu ớt và vô ích như thế nào khi nó không đi kèm với các bài tập thể dục chăm chỉ. Đi bộ mang lại chuyển động cho mọi bộ phận của cơ thể, và đảm bảo lưu thông mạnh mẽ của máu; vì khi chúng ta đi bộ nhanh, không khí trong lành được hít vào phổi. Sau đó là niềm vui khôn tả mà các sự vật tự nhiên mang lại cho chúng ta, niềm vui đến từ việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Tất nhiên, việc đi bộ dọc theo các làn đường và đường phố, hoặc đi trên cùng một con đường mỗi ngày là vô ích. Chúng ta nên đi ra ngoài những cánh đồng và những khu rừng, nơi chúng ta có thể tận hưởng hương vị của Thiên nhiên. Đi bộ 2 hoặc 3 km hoàn toàn không phải đi bộ; ít nhất 15 hoặc 20 km là cần thiết để tập thể dục. Những người không thể đi bộ nhiều mỗi ngày ít nhất có thể làm như vậy vào Chủ nhật. Có lần một người đàn ông bị chứng khó tiêu đến bác sĩ để lấy thuốc. Anh ta được khuyên nên đi bộ một chút mỗi ngày, nhưng anh ta nài xin rằng anh ta quá yếu để có thể đi bộ được. Sau đó, bác sĩ đưa anh ta vào xe ngựa của mình để đi dạo. Trên đường đi, bác sĩ cố tình đánh rơi chiếc roi của mình, và anh chàng ốm yếu, vì lịch sự, đã xuống lấy nó. Tuy nhiên, bác sĩ đã lái xe ngựa đi mà không đợi anh ta, và người đàn ông tội nghiệp phải lê bước sau xe ngựa. Khi bác sĩ hài lòng rằng anh đã đi bộ đủ lâu, ông lại đưa anh vào xe ngựa và giải thích rằng đó là một bài tập được sử dụng để giúp anh đi lại. Khi người đàn ông bắt đầu cảm thấy đói vào lúc này, anh ta nhận ra giá trị của lời khuyên của bác sĩ, và quên đi chứng khó tiêu. Sau đó anh ta về nhà và dùng một bữa ăn thịnh soạn. Hãy để những người bị chứng khó tiêu và các bệnh liên quan tự họ thực hiện, và họ sẽ nhận ra ngay giá trị của việc đi bộ như một bài tập thể dục.



Chương VIII

TRANG PHỤC


Trang phục cũng là một vấn đề của sức khỏe ở một mức độ nhất định. Ví dụ, phụ nữ châu Âu có quan niệm về vẻ đẹp kỳ quặc đến nỗi trang phục của họ là trang phục với mục đích bó chặt thắt lưng và bàn chân, do đó, dẫn đến một số căn bệnh. Bàn chân của những người phụ nữ Trung Quốc bị cố tình ép lại để biến dạng nhỏ đến mức chúng còn nhỏ hơn cả bàn chân của những đứa trẻ nhỏ của chúng ta, và hậu quả là sức khỏe của họ bị tổn hại. Hai trường hợp này cho thấy sức khỏe có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi tính chất của trang phục. Nhưng việc lựa chọn trang phục của chúng ta không phải lúc nào cũng nằm trong tay chúng ta, bởi vì chúng ta nhất thiết phải áp dụng cách giáo dục của những người lớn. Đối tượng chính của trang phục đã bị lãng quên, và giờ chúng được coi là biểu hiện của tôn giáo, đất nước, chủng tộc và nghề nghiệp của một người. Trong hoàn cảnh hiện tại, rất khó để thảo luận về vấn đề trang phục nghiêm ngặt từ quan điểm sức khỏe, nhưng một cuộc thảo luận như vậy nhất thiết phải làm để cải thiện sức khỏe cho chúng ta. Theo thuật ngữ trang phục, chúng bao gồm tất cả những thứ như ủng và giày cũng như đồ trang sức và những thứ tương tự.

Mục đích chính của trang phục là gì? Con người ở trạng thái nguyên thủy không có quần áo; anh ấy đã khỏa thân và để lộ phần lớn cơ thể. Da của anh săn chắc và khỏe mạnh, anh có thể chịu đựng được nắng và mưa, và chưa một lần bị cảm lạnh và các bệnh liên quan. Như đã được giải thích, chúng ta hít thở không khí không chỉ qua lỗ mũi mà còn qua vô số lỗ chân lông trên da. Vì vậy, khi chúng ta che phủ cơ thể bằng quần áo, chúng ta sẽ ngăn cản chức năng tự nhiên này của da. Xưa kia, khi người dân các nước lạnh hơn muốn chống chịu cái lạnh, họ bắt đầu cảm thấy cần phải che phủ cơ thể của mình. Từ đó họ không thể chịu đựng được cái lạnh nữa, và việc sử dụng trang phục ra đời, cho đến khi về lâu dài, chúng được coi không chỉ đơn thuần là một thứ cần thiết, mà còn như một đồ trang trí. Sau đó, chúng cũng được coi là dấu hiệu của quốc gia, chủng tộc, v.v.

Trên thực tế, chính Thiên nhiên đã cung cấp một lớp che phủ tuyệt vời là làn da của chúng ta. Ý kiến ​​cho rằng cơ thể người không phù hợp nếu không mặc quần áo là vô lý, đối với những bức tượng, bức tranh đẹp nhất là những bức tượng, tranh hiển thị cơ thể trần. Khi chúng ta che đậy những bộ phận bình thường nhất của cơ thể, chúng ta như thể đang cảm thấy xấu hổ về chúng trong tình trạng tự nhiên của chúng, và như thể chúng ta thấy lỗi lầm trong sự sắp đặt của chính Thiên nhiên. Chúng ta nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục phủ lên trang phục và trang sức lộng lẫy cho cơ thể của chúng ta, một khi chúng ta ngày càng giàu có hơn. Chúng ta 'tô điểm' cho cơ thể mình theo đủ mọi cách gớm ghiếc, và tự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản thân! Nếu đôi mắt của chúng ta không bị mù bởi thói quen và ảnh hưởng điên rồ nào đó, chúng ta sẽ thấy rằng cơ thể chỉ đẹp nhất khi ở trạng thái khỏa thân, vì cơ thể chỉ có được sức khỏe tốt nhất trong trạng thái này. Trang phục, trên thực tế, làm tổn hại đến vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể. Nhưng, không bằng lòng với việc chỉ ăn mặc, con người cũng bắt đầu đeo đồ trang sức. Đây chỉ là sự điên rồ, vì thật khó hiểu bằng cách nào những viên ngọc này có thể thêm một gram nào vào vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể. Nhưng phụ nữ đã vượt ra ngoài mọi giới hạn trong vấn đề này. Họ không xấu hổ khi đeo những chiếc vòng chân nặng đến mức khó nhấc chân lên được, xỏ lỗ mũi và lỗ tai một cách gớm ghiếc bằng khuyên, hoặc đeo nhẫn và vòng tay nhiều loại vào cổ tay và ngón tay. Những đồ trang trí này chỉ phục vụ cho việc giúp tích tụ chất bẩn vào trong cơ thể. Chúng ta nhầm sự bẩn thỉu này với vẻ đẹp, và ném tiền đi để đảm bảo nó; và chúng ta thậm chí không ngần ngại đặt mạng sống của mình vào tay những tên trộm cướp rất khao khát lấy cắp chúng. Không có giới hạn nào đối với những nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu để thỏa mãn những quan niệm phù phiếm ngớ ngẩn mà chúng ta đã dày công vun đắp. Thật vậy, phụ nữ đã trở nên say mê đến mức họ không muốn tháo bông tai ngay cả khi tai bị bệnh; ngay cả khi bàn chân sưng tấy và bị đau đớn khủng khiếp, họ sẽ không tháo vòng chân; và họ không muốn tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay bị sưng vì họ tưởng tượng rằng vẻ đẹp và số phận của họ sẽ bị ảnh hưởng khi làm như vậy!

Cải cách toàn diện cách ăn mặc không phải là một vấn đề dễ dàng, nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều có thể từ bỏ trang sức và tất cả quần áo thừa thãi. Chúng ta có thể giữ một số thứ vì lợi ích của quy ước xã hội, và loại bỏ tất cả những thứ còn lại. Những người không mê muội rằng váy bó eo là một đồ trang điểm đẹp chắc chắn có thể tạo ra nhiều thay đổi trong cách ăn mặc của họ và giữ cho mình một sức khỏe tốt.

Ngày nay, có một quan điểm cho rằng Âu phục là cần thiết để duy trì sự đoan trang và uy tín của chúng ta! Đây không phải là nơi để thảo luận vấn đề này một cách chi tiết. Mặc dù cách ăn mặc của người châu Âu có thể khá tốt đối với các nước lạnh giá của châu Âu, nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với Ấn Độ. Bản thân trang phục của người Ấn Độ có thể tốt cho người Ấn Độ, cho dù họ là người theo đạo Hindu hay người Hồi giáo. Trang phục của chúng ta rộng và thoáng, để không khí thoát ra ngoài; và có màu trắng, chúng không hấp thụ nhiệt. Váy đen gây cảm giác nóng bức vì tất cả các tia nắng mặt trời đều bị hấp thụ vào nó, và tiếp đó, sẽ đi vào cơ thể.

Tục đội khăn xếp trên đầu đã trở nên khá phổ biến với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng để đầu trần càng nhiều càng tốt. Để tóc mọc quá dài, chải và vuốt tóc, rẽ ngôi giữa, v.v., không có ích lợi gì. Bụi và chất bẩn, cũng như trứng chấy và chấy, tích tụ trên tóc, và nếu mụn nhọt phát sinh trên đầu, chúng không thể được điều trị đúng cách. Đặc biệt là với những ai đội khăn xếp thì sẽ thật là ngu ngốc nếu để tóc dài. Bàn chân cũng là nạn nhân phổ biến của bệnh tật. Bàn chân của những người đi ủng và giày trở nên bẩn thỉu, và bắt đầu tiết ra nhiều mồ hôi hôi thối. Mùi hôi thối đến nỗi những người nhạy cảm với mùi hương sẽ khó có thể đứng về phía một người đang cởi bỏ giày và tất của mình. Tên gọi chúng ta đặt cho đôi giày nói lên chúng như "người bảo vệ đôi chân" và "kẻ thù của cái gai", cho thấy rằng chỉ nên mang giày khi chúng ta phải đi trên một con đường đầy đá nhọn, hoặc trên mặt đất quá lạnh hoặc nóng, và chỉ nên che lòng bàn chân chứ không phải toàn bộ bàn chân. Và mục đích này được hoàn thành một cách xuất sắc bởi sandal. Một số người quen với việc sử dụng giày thường bị đau đầu, đau chân, suy nhược cơ thể. Hãy để họ thử thử nghiệm đi bộ bằng chân trần, và sau đó họ sẽ ngay lập tức tìm ra lợi ích của việc giữ cho đôi chân trần và không còn bị đổ mồ hôi chân khi chân luôn tiếp xúc trực tiếp với không khí.



Chương IX

QUAN HỆ TÌNH DỤC


Tôi đặc biệt yêu cầu những ai đã đọc kỹ cuốn sách cho đến nay hãy đọc hết chương này một cách cẩn thận hơn nữa và suy ngẫm kỹ về đề tài của nó. Vẫn còn một số chương sẽ được viết, và tất nhiên, chúng sẽ hữu ích theo cách riêng của chúng. Nhưng không cái nào quan trọng bằng điều này. Như tôi đã nói, không có một vấn đề nào được đề cập trong cuốn sách này mà không dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi, hoặc điều mà tôi không tin là hoàn toàn đúng.

Có nhiều thứ cần thiết cho sức khỏe, và tất cả chúng đều thiết yếu; nhưng một thứ quan trọng nhất, trên tất cả những thứ khác, là Brahmacharya. Tất nhiên, không khí tinh khiết, nước tinh khiết và thực phẩm lành mạnh góp phần bảo vệ sức khỏe. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể khỏe mạnh nếu chúng ta tiêu hao tất cả sức khỏe mà chúng ta có được? Làm thế nào chúng ta có thể không trở thành những kẻ khốn khổ nếu chúng ta tiêu hết số tiền kiếm được? Không thể nghi ngờ gì rằng đàn ông và đàn bà không bao giờ có thể trở nên mạnh mẽ trừ khi họ thấu hiểu Brahmacharya đích thực .

Brahmacharya có nghĩa là gì? Ý của chúng tôi là đàn ông và phụ nữ nên hạn chế thỏa mãn lẫn nhau. Có nghĩa là, họ không nên động chạm vào nhau với những suy nghĩ xác thịt, họ không nên nghĩ về nó ngay cả trong giấc mơ của họ. Ánh nhìn lẫn nhau của họ phải tránh khỏi mọi liên tưởng về xác thịt. Sức mạnh tiềm ẩn mà Chúa ban cho chúng ta nên được bảo tồn bằng sự tự kỷ luật nghiêm ngặt, và truyền thành năng lượng và sức mạnh, - không chỉ của cơ thể, mà còn của tâm trí và linh hồn.

Nhưng cảnh tượng mà chúng ta thực sự thấy xung quanh chúng ta là gì? Đàn ông và phụ nữ, già và trẻ, không có ngoại lệ, bị cuốn vào vòng quay của nhục dục. Bị dục vọng che mắt, họ mất hết ý thức về điều đúng và điều sai. Bản thân tôi đã từng chứng kiến ​​ngay cả những chàng trai và cô gái hành xử như những kẻ điên dưới ảnh hưởng chết người của nó. Tôi cũng đã hành xử như vậy dưới những ảnh hưởng tương tự, và không thể khác được. Vì niềm vui nhất thời, chúng ta hy sinh ngay lập tức tất cả nguồn sinh lực mà chúng ta tích lũy được. Sự mê đắm qua đi, chúng ta thấy mình đang ở trong một tình trạng khốn khổ. Sáng hôm sau, chúng ta cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi một cách vô vọng, và tâm trí từ chối làm công việc của nó. Sau đó, chúng ta cố gắng khắc phục những đam mê xác thịt bằng cách dùng tất cả các loại 'thuốc bổ thần kinh' và đặt mình dưới sự thương xót của bác sĩ để loại bỏ chất thải và phục hồi khả năng hưởng thụ. Vì vậy, ngày và năm trôi qua, cho đến khi tuổi già ập đến và chúng ta hoàn toàn mệt mỏi trong cơ thể và tâm trí.

Nhưng quy luật tự nhiên trái ngược với điều này. Chúng ta càng lớn tuổi, trí tuệ của chúng ta cũng sẽ phát triển; Chúng ta càng sống lâu, thì khả năng của chúng ta càng tăng lên để truyền những thành quả từ kinh nghiệm tích lũy của chúng ta cho đồng loại của chúng ta. Và đây thực sự là trường hợp của những người đã từng là Brahmachaires chân chính. Họ không biết sợ cái chết, và họ không quên điều tốt ngay cả trong giờ chết; họ cũng không phàn nàn một cách vô ích. Họ chết với nụ cười trên môi, và mạnh mẽ đối mặt với ngày phán xét. Họ là những người đàn ông và phụ nữ thực sự; và chỉ ở trong số họ, chúng ta có thể nói rằng họ đã bảo toàn được sức khỏe của mình.

Chúng ta hầu như không nhận ra sự thật rằng mất kiểm soát tâm trí là căn nguyên của tất cả sự phù phiếm, tức giận, sợ hãi và ghen tị trên thế gian. Nếu tâm trí chúng ta không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nếu chúng ta cư xử một lần hoặc nhiều lần mỗi ngày một cách ngu xuẩn hơn cả những đứa trẻ nhỏ, thì làm sao chúng ta không phạm phải đủ thứ tội cả trong ý thức hoặc vô thức? Làm thế nào chúng ta có thể dừng lại để nghĩ về hậu quả của những hành động của chúng ta, dù chúng là cố ý hay vô tình?

Nhưng bạn có thể hỏi, "Ai đã từng nhìn thấy một Brahmachary thực sự theo nghĩa này? Nếu tất cả mọi người trở thành các Brahmachary, chẳng phải nhân loại sẽ bị tuyệt chủng, và cả thế giới sẽ trở thành đống đổ nát?" Chúng ta sẽ bỏ qua khía cạnh tôn giáo của câu hỏi này, và thảo luận nó đơn giản từ quan điểm thế tục. Theo suy nghĩ của tôi, những câu hỏi này chỉ nói lên sự yếu đuối và hèn nhát của chúng ta. Chúng ta không có đủ ý chí để quan sát Brahmacharya, và do đó chúng ta đã tìm lý do để trốn tránh nhiệm vụ của mình. Chủng tộc của các Brahmacharies đích thực không có nghĩa là tuyệt chủng; nhưng, câu hỏi ta cần quan tâm, Brahmacharya sẽ có được giá trị gì? Hàng nghìn công nhân chăm chỉ phải đào sâu trong lòng đất để tìm kiếm kim cương, và về lâu dài họ có thể đào được một số nhỏ ra khỏi đống đất đá. Vậy thì công việc liên quan đến việc tìm kiếm viên kim cương Brahmachary sẽ quý giá vô hạn đến nhường nào? Và nếu việc tuân giữ Brahmacharya đồng nghĩa là sự hủy diệt của thế giới, tại sao chúng ta phải hối tiếc về điều đó? Chúng ta có phải là Đức Chúa Trời đến mức lo lắng cho tương lai của nhân loại không? Người đã tạo ra nó chắc chắn sẽ thấy được sự bảo toàn của nó. Việc hỏi người khác có thực hành Brahmacharya hay không không phải là việc của chúng ta. Khi chúng ta trở thành một thương gia, luật sư hay bác sĩ, chúng ta có bao giờ dừng lại để nghĩ về số phận của thế giới sẽ ra sao nếu tất cả con người đều làm như vậy? Brahmachary thực sự sẽ theo thời gian, tự mình khám phá ra câu trả lời cho những câu hỏi như vậy.

Nhưng làm thế nào những con người đắm chìm trong những lo lắng của thế giới vật chất có thể đưa những ý tưởng này vào thực tế? Những người đã kết hôn sẽ làm gì? Họ sẽ làm gì khi có con? Và những người không thể kiểm soát dục vọng của họ sẽ phải làm gì? Giải pháp tốt nhất cho tất cả những thử thách như vậy đã được đưa ra. Chúng ta phải thường xuyên giữ lý tưởng này trước mặt và cố gắng đến ngày càng gần hơn với nó trong khả năng của mình. Khi những đứa trẻ nhỏ học viết các chữ cái trong bảng chữ cái, chúng ta cho chúng thấy những hình dạng hoàn hảo của các chữ cái và chúng cố gắng viết giống nhất có thể. Cũng giống như vậy, nếu chúng ta kiên trì làm theo lý tưởng của Brahmacharya , cuối cùng chúng ta có thể thành công trong việc hiện thực hóa nó. Nếu chúng ta đã kết hôn rồi thì sao? Quy luật Tự nhiên là Brahmacharya có thể tạm dừng chỉ khi người chồng và người vợ cảm thấy khao khát có con mãnh liệt. Những ai, ghi nhớ luật này, vi phạm Brahmacharya bốn hoặc năm năm một lần không thể bị coi là nô lệ của dục vọng, cũng như không mất đi nguồn sinh lực dự trữ. Nhưng, than ôi, hiếm làm sao những người đàn ông và phụ nữ từ bỏ ham muốn tình dục chỉ vì lợi ích cho con cái! Phần lớn, có thể lên đến hàng nghìn, chuyển sang hưởng thụ tình dục chỉ để thỏa mãn đam mê xác thịt của họ, vì vậy những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn trái với ý muốn của họ. Trong cơn điên cuồng của đam mê tình dục, chúng ta không nghĩ đến hậu quả của hành động của mình. Về vấn đề này, đàn ông thậm chí còn đáng trách hơn phụ nữ. Người đàn ông bị dục vọng làm cho mù quáng đến mức chẳng mảy may quan tâm đến việc vợ mình yếu đuối, không có khả năng nuôi con. Thực sự ở phương Tây, mọi người đã xâm phạm thậm chí chống lại những nguyên tắc đạo đức thông thường. Họ say mê thú vui tình dục, và đưa ra các biện pháp để trốn tránh trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Nhiều cuốn sách đã được viết về chủ đề này, và thường xuyên có hoạt động buôn bán cung cấp các phương tiện để ngăn ngừa thụ thai. Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tội lỗi này, nhưng chúng ta không kìm mình lại vì gánh nặng thai sản áp đặt lên người phụ nữ của chúng ta, và chúng ta không lo ngại ngay cả khi thấy rằng con cái của chúng ta yếu ớt, không nơi nương tựa và khờ dại. Mỗi khi chúng ta có con, chúng ta dùng lý lẽ là Chúa Quan Phòng, và vì vậy, chúng ta tìm cách che giấu sự xấu xa trong các hành vi của mình. Chẳng lẽ chúng ta không nên coi đó là dấu hiệu của sự giận dữ của Đức Chúa Trời khi có những đứa trẻ yếu đuối, khời dại, tàn tật và không chỗ trú ẩn? Có phải vì vui thú mà các chàng trai và cô gái nên có con không? Đó không phải là một lời nguyền của Chúa sao? Tất cả chúng ta đều biết rằng quả non của cây chưa trưởng thành sẽ làm cây bố mẹ yếu đi, và vì vậy chúng ta cố gắng tìm mọi cách để trì hoãn sự xuất hiện quả trên cây non. Nhưng chúng ta hát những bài thánh ca ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa khi một đứa trẻ được sinh ra bởi một người cha người mẹ chưa trưởng thành! Có gì đáng lo sợ hơn không? Chúng ta có nghĩ rằng thế giới sẽ được cứu rỗi bởi vô số bầy trẻ em bơ vơ đang sinh sôi nảy nở không ngừng ở Ấn Độ hay những nơi khác trên thế giới? Quả thật, về mặt này, chúng ta còn tệ hơn cả những loài động vật bậc thấp; vì con bò đực và con bò cái được kết hợp với nhau chỉ nhằm mục đích sinh ra một con bê. Đàn ông và phụ nữ nên coi đây là thời điểm và nghĩa vụ thiêng liêng, dừng việc quan hệ thời điểm thụ thai cho đến khi đứa trẻ thôi bú vú mẹ. Nhưng chúng ta tiếp tục với ham mê thú tính của mình một cách sung sướng và quên con bò đực và con bò cái được kết hợp với nhau chỉ với đối tượng là để có một con bê con. Căn bệnh nan y này xâm chiếm tâm trí chúng ta và dẫn chúng ta đến mồ chôn sớm, sau khi khiến chúng ta kéo dài sự tồn tại khốn khổ trong cả cuộc đời. Những người đã kết hôn nên hiểu chức năng thực sự của hôn nhân, và không nên vi phạm luật Brahmacharya ngoại trừ quan điểm có con để tiếp tục nòi giống.

Nhưng điều này thật khó trong điều kiện cuộc sống hiện tại của chúng ta. Thức ăn, lối sống, cuộc trò chuyện chung và môi trường xung quanh chúng ta đều được tính toán như nhau để khơi dậy và duy trì ham muốn thèm ăn của chúng ta; và nhục dục giống như chất độc, ăn mòn các cơ quan quan trọng của chúng ta. Một số người có thể nghi ngờ khả năng chúng ta có thể giải phóng mình khỏi ách nô lệ này. Cuốn sách này không được viết cho những người có trong lòng những nghi ngờ như vậy, mà chỉ dành cho những người thực sự nghiêm túc và có can đảm thực hiện các bước tích cực để cải thiện bản thân. Những người khá bằng lòng với tình trạng tồi tệ hiện tại của họ thậm chí có thể bị xúc phạm khi đọc tất cả những điều này; nhưng tôi hy vọng nó sẽ có ích cho những ai chán ghét sự tồn tại khốn khổ của chính họ.

Từ tất cả những gì đã nói, những người vẫn chưa lập gia đình nên cố gắng duy trì như vậy; nhưng, nếu họ không thể không kết hôn, họ nên làm điều đó càng muộn càng tốt. Ví dụ, những người trẻ tuổi phải tuyên thệ sống độc thân cho đến khi họ 25 hoặc 30 tuổi. Chúng tôi sẽ không giải thích ở đây tất cả những lợi ích khác ngoài thể chất là kết quả của việc này; nhưng những người muốn tận dụng lợi thế của nó có thể làm điều đó cho chính họ.

Yêu cầu của tôi đối với các bậc cha mẹ có thể đọc những trang này là họ không nên buộc một viên đá mài quanh cổ con trai của họ khi để chúng kết hôn ở tuổi niên thiếu. Họ cũng nên quan tâm đến phúc lợi của con trai họ, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng họ. Họ nên gạt bỏ tất cả những quan niệm ngớ ngẩn về sự kiêu hãnh đẳng cấp hay 'sự tôn trọng' và ngừng tham gia vào những việc làm vô tâm như vậy. Thay vào đó, nếu họ thực sự quan tâm đến con cái của mình, hãy để chúng hướng đến những cải thiện về thể chất, tinh thần và đạo đức. Còn hành động nào thiếu trách nhiệm hơn đối với con trai của họ khi họ buộc chúng phải bước vào cuộc sống hôn nhân, với tất cả những trách nhiệm, sự lo lắng và gánh nặng to lớn, ngay cả khi chúng còn quá trẻ?

Có sự khác biệt về quan điểm giữa các bác sĩ về việc liệu nam giới và nữ giới trẻ có cần để chất dịch quan trọng của họ tiết ra ngoài hay không, một số với lời khẳng định, những người khác phủ định. Nhưng điều này không thể biện minh cho việc chúng ta lợi dụng nó để hưởng thụ nhục dục. Tôi có thể nói, không chút do dự, từ kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như của những người khác, rằng hưởng thụ tình dục không những không cần thiết cho việc giữ gìn sức khỏe mà còn có hại cho sức khỏe. Tất cả sức mạnh của cơ thể và trí óc đã mất nhiều thời gian để có được, hoàn toàn bị mất đi bởi sự thoát ra của chất lỏng quan trọng, và phải mất một thời gian dài để lấy lại sức mạnh đã mất này, và thậm chí sau đó không thể nói rằng chúng đã được phục hồi một cách triệt để. Một chiếc tàu bị vỡ có thể được thực hiện công việc của nó sau khi sửa chữa, nhưng nó không bao giờ có thể là bất cứ thứ gì khác ngoài một chiếc tàu bị vỡ.

Như đã được chỉ ra, việc bảo tồn sức sống của chúng ta là không thể nếu không có nước tinh khiết trong không khí tinh khiết, thực phẩm sạch và lành mạnh, cũng như cả những suy nghĩ trong sạch. Điều thực sự quan trọng là mối quan hệ giữa sức khỏe của chúng ta, cuộc sống mà chúng ta hướng tới và chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn khỏe mạnh trừ khi chúng ta có một cuộc sống trong sạch. Người đàn ông thực sự nghiêm túc, quên đi những lỗi lầm của quá khứ, bắt đầu sống một cuộc sống trong sạch sẽ có thể gặt hái thành quả của nó ngay lập tức. Những ai đã thực hành Brahmacharya chân chính dù chỉ trong một thời gian ngắn sẽ thấy cơ thể và tâm trí của họ được cải thiện ổn định về sức mạnh và sự bền bỉ như thế nào, và họ sẽ không sẵn sàng từ bỏ kho báu này bằng bất cứ giá nào. Bản thân tôi đã phạm phải những sai sót ngay cả khi đã hiểu hết giá trị của Brahmacharya, và tất nhiên, đã phải trả giá đắt cho chúng. Tôi đầy xấu hổ và hối hận khi tôi nghĩ về sự tương phản khủng khiếp giữa tình trạng của tôi trước và sau những lần mất kiểm soát này. Nhưng từ những sai lầm của quá khứ mà bây giờ tôi đã học được cách bảo tồn kho báu này một cách khéo léo, và tôi hoàn toàn hy vọng, với ân điển của thần linh, sẽ tiếp tục giữ gìn nó trong tương lai; vì tôi đã tận mắt chứng kiến ​​những lợi ích không thể đo lường hết được của Brahmacharya. Tôi đã kết hôn sớm và đã trở thành cha của những đứa trẻ khi chỉ còn là một thiếu niên. Cuối cùng, khi tỉnh dậy với thực tế hoàn cảnh của mình, tôi thấy mình đã chìm trong đáy vực sâu nhất của sự suy thoái. Tôi sẽ tự coi mình là người được ban thưởng khi viết những trang này nếu ít nhất một độc giả có thể nhận ra cảnh báo từ những thất bại và kinh nghiệm của tôi, và từ đó thu lợi ích. Nhiều người đã nói với tôi (và tôi cũng tin điều đó) rằng tôi tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, cả thể xác và tâm trí; Một số thậm chí còn buộc tội tôi vì sự khẩn trương. Có thể còn bệnh tật trong cơ thể tôi cũng như trong tâm trí của tôi; tuy nhiên, khi so sánh với bạn bè của tôi, tôi có thể gọi mình là hoàn toàn khỏe mạnh và mạnh mẽ. Nếu ngay cả sau hai mươi năm hưởng thụ nhục dục, tôi vẫn có thể đạt đến trạng thái này, thì tôi sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu đã giữ mình trong sạch trong suốt hai mươi năm đó? Tôi hoàn toàn tin chắc rằng, giá như tôi đã sống trọn một cuộc đời Brahmacharya, năng lượng và sự nhiệt tình của tôi sẽ lớn hơn gấp ngàn lần và lẽ ra tôi có thể cống hiến tất cả chúng cho sự phát triển của đất nước cũng như của riêng tôi. Nếu điều này có thể được khẳng định đối với một người bình thường như tôi, thì việc đạt được sức mạnh, - thể chất, tinh thần, cũng như đạo đức - mà Brahmacharya có thể mang lại cho chúng ta sẽ tuyệt vời biết bao!

Khi thực hành luật Brahmacharya nghiêm ngặt như vậy, chúng ta sẽ nói gì về những người phạm tội lỗi không thể tha thứ là hưởng thụ tình dục bất chính? Sự xấu xa phát sinh từ ngoại tình và mại dâm là một vấn đề sống còn của tôn giáo và đạo đức và không thể được giải quyết đầy đủ trong một luận thuyết về sức khỏe. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến việc chỉ ra hàng ngàn người mắc phải những tội lỗi này bị mắc bệnh giang mai và những căn bệnh không thể chữa khỏi khác như thế nào. Tuổi thọ ngắn ngủi của họ là dành cho mối ràng buộc lâu dài với các lang băm trong một nhiệm vụ vô ích là tìm một phương thuốc giúp họ thoát khỏi đau khổ. Nếu không có chuyện ngoại tình, ít nhất 50% bác sĩ sẽ không có việc làm. Quả thật, căn bệnh hoa liễu đã gắn bó chặt chẽ với loài người đến nỗi ngay cả những bác sĩ giỏi nhất cũng buộc phải thừa nhận rằng, chừng nào nạn ngoại tình và mại dâm còn tiếp diễn, loài người sẽ không có hy vọng. Các loại thuốc điều trị những căn bệnh này độc hại đến nỗi mặc dù chúng có vẻ đã làm được một số việc tốt vào lúc này, nhưng chúng lại làm phát sinh những căn bệnh khác thậm chí còn khủng khiếp hơn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong phần kết của chương này, chúng tôi sẽ chỉ ra ngắn gọn cách những người đã kết hôn có thể bảo tồn Brahmacharya của họ nguyên vẹn. Việc tuân thủ các quy luật sức khỏe liên quan đến không khí, nước và thực phẩm là chưa đủ. Người đàn ông nên chấm dứt hoàn toàn việc ngủ chung với vợ mình. Họ nên ngủ riêng vào ban đêm, và không ngừng làm việc thiện vào ban ngày. Họ nên đọc những cuốn sách chứa đầy những suy nghĩ cao quý và suy ngẫm về cuộc đời của những vĩ nhân, và sống trong nhận thức thường xuyên rằng hưởng thụ nhục dục là căn nguyên của mọi căn bệnh. Bất cứ khi nào họ cảm thấy thôi thúc muốn hưởng thụ, họ nên tắm trong nước lạnh, để sức nóng của đam mê có thể được làm mát và tinh luyện thành năng lượng của hoạt động chân chính. Đó là một điều khó khăn để làm, nhưng chúng ta sinh ra trên thế giới này để đấu tranh chống lại những khó khăn và cám dỗ, và để vượt qua chúng; còn ai không có ý chí thì không bao giờ được hưởng phước lành tối cao là sức khỏe và hạnh phúc chân thật.







10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page